Nông nghiệp, nông dân, nông thôn: Sức nóng trên nghị trường Quốc hội
Được đăng : 03/11/2016
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém trong công tác đầu tư; điều hành kinh tế vĩ mô; việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia hay xóa đói giảm nghèo;... nhiều đại biểu Quốc hội cũng hiến kế để việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước đạt hiệu quả cao nhất, từ đó nâng cao chất lượng tăng trưởng thay vì chỉ chú trọng vào các con số như hiện nay.
Đầu tư phải có trọng điểm
Lâu nay, vấn đề đầu tư và sử dụng các nguồn vốn đầu tư luôn là điểm nóng khi bàn thảo ở Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ 7 QH khóa XII này cũng vậy. Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) nêu một thực tế, dù chúng ta đang tích cực thực hiện các giải pháp giảm sự phân tán đầu tư, chỉ ưu tiên cho những chương trình, dự án trọng điểm nhưng chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt, đặc biệt là ở địa phương, tình hình chậm tiến độ đầu tư vẫn chưa được khắc phục. “Tình trạng đầu tư không đồng bộ, thiếu vốn dẫn đến các hạng mục công trình đầu tư không được đưa vào khai thác, sử dụng ngay, các hạng mục đầu tư sau dẫm lên hạng mục trước, gây lãng phí, thất thoát, tốn kém”, ông Phát nói.
Trong phiên thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, một đại biểu Quốc hội còn lo ngại về tình trạng phát triển ồ ạt diện tích cao su ở khắp mọi miền đất nước. Vẫn biết cao su là “cây vàng” nhưng nếu địa phương nào cũng có kế hoạch, chiến lược mở rộng diện tích cây cao su thì sớm muộn cũng sẽ rơi vào tình trạng ế thừa, lúc đó, rừng đã mất, hậu quả nông dân là người gánh chịu. Vì thế, vị đại biểu này cho rằng, trước khi phê duyệt một chủ trương đầu tư nào đó, cần có sự cân nhắc và phản biện rõ ràng.
Cũng từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) cho rằng, hiện nay chúng ta đầu tư quá nhiều cho khu vực kinh tế quốc doanh (cụ thể là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước) mà quên mất khu vực kinh tế tư nhân. ông Ba cho rằng, đầu tư cho hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực là các đầu tư hiệu quả nhất.
Chú trọng an sinh xã hội
Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội cũng được các đại biểu quan tâm. Không thể phủ nhận những nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành kịp thời các chính sách nhằm giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo nhưng nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện một số chương trình, dự án giảm nghèo còn dàn trải và không ít bất cập.
Theo đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ), những bất cập này thể hiện ở chỗ, các lợi ích từ an sinh xã hội phân phối chưa thật sự công bằng. ông Lễ nêu dẫn chứng, theo điều tra của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc, thì nhóm giàu nhất Việt Nam (bằng 20% số hộ gia đình) nhận được tới 40% lợi ích từ an sinh xã hội, trong khi đó nhóm nghèo nhất chỉ nhận được chưa tới 7%. Thứ hai, chuẩn nghèo cũ ban hành từ năm 2006 đã rất lạc hậu do lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, tăng khoảng trên 40% so với thời điểm ban hành chuẩn nghèo hiện hành. Chính sách an sinh xã hội chưa tính đến hết các đối tượng cần được trợ giúp, đặc biệt là trẻ em nghèo, những người không có khả năng lao động, người khuyết tật. Từ thực tế này, ông Lễ đề nghị, trong Đề án hệ thống an sinh xã hội, dân cư vùng nông thôn giai đoạn 2010-2020, cần mở rộng hơn nữa các đối tượng được trợ giúp không chỉ dân cư vùng nông thôn mà cả một bộ phận dân cư đô thị do phải thôi việc trong các nhà máy, xí nghiệp trước đây hoặc lao động bị mất việc làm và kể cả những người dân bị thu hồi đất. Đồng thời khi xây dựng chính sách an sinh xã hội, cần dành tỷ lệ trợ cấp xã hội thích đáng hơn nữa cho nhóm dân cư nghèo, góp phần giảm chênh lệch hưởng lợi an sinh xã hội từ 2 nhóm giàu - nghèo trong xã hội.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) nêu một thực tế, công cuộc giảm nghèo của chúng ta vẫn đang đặt ra trước nhiều thách thức đối với mục tiêu phát triển bền vững. Điều đó thể hiện ở hiệu quả giảm nghèo chưa cao, chất lượng giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ tái nghèo cao, hộ cận nghèo lớn. Trong khi đó chuẩn nghèo dựa trên nhu cầu chi tiêu cơ bản của hộ gia đình mà nhu cầu chi tiêu lại phụ thuộc vào giá cả, nên khi chỉ số giá tiêu dùng tăng sẽ dẫn đến một hệ quả là làm giảm giá trị thực tế của chuẩn nghèo xuống.
Chung quan điểm này, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, báo cáo của Chính phủ dành 2 trang trong gần 40 trang cho vấn đề an sinh xã hội là rất khiêm tốn trong khi thực tiễn cuộc sống đang ngày càng đặt ra qua nhiều thách thức. Do tính bất thường của thời tiết và sự tác động của con người vào môi trường luôn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân của việc giảm nghèo không được bền vững. “Tôi đề nghị Chính phủ nên báo cáo đầy đủ hơn và đánh giá xác đáng hơn, đặc biệt là các giải pháp để thực hiện việc phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7. Nghị quyết chỉ đi vào cuộc sống khi cả hệ thống chính trị đóng vai trò tích cực và đặc biệt là vai trò của nông nghiệp, nông thôn trong quá trình công nghiệp hóa và trong quá trình thực hiện những vấn đề an sinh xã hội”, ông Hải nói.
Sớm hoàn thành đề án bảo hiểm nông nghiệp
Đó cũng là đề nghị của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XII. Đại biểu Hoàng Thị Hạnh (Bắc Giang) cho rằng, nông nghiệp, nông thôn có vai trò hết sức quan trọng trong xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu, nhưng sản xuất nông nghiệp còn bị đe dọa bởi một số yếu tố khách quan như: bão, lũ, dịch bệnh và những yếu tố chủ quan như: nạn phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, việc bị ép giá khi tiêu thụ sản phẩm và cả việc cắt điện thường xuyên.
“Vì vậy, Chính phủ cần có sự quan tâm thực sự đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, từ việc đầu tư đến việc tiêu thụ sản phẩm. Cần đổi mới cách quản lý để kiểm soát chặt chẽ các loại vật tư đầu vào của sản xuất nông nghiệp sao cho đảm bảo chất lượng, có chế tài đủ mạnh để tiến tới loại bỏ nạn phân bón giả và thuốc trừ sâu giả. Cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Chính phủ cũng cần nghiên cứu để tiếp tục thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn, lấy hộ nghèo làm chủ thể đầu tư, ưu tiên chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn với cơ chế đặc thù mức hỗ trợ cao hơn các chính sách dạy nghề cho các đối tượng khác”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Đi vào một vấn đề cụ thể là chính sách hỗ trợ người trồng càphê, đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) cho rằng, việc Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua tạm trữ cà phê không có khả thi. Bởi vì, một là nhiều doanh nghiệp thiếu vốn để mua càphê do có vay vốn ngân hàng đã quá hạn và chưa có vay mới, mặt khác doanh nghiệp không muốn mua trữ càphê vì nếu giá thấp thì chưa có quy định về bù lỗ cho doanh nghiệp.
Từ đó, ông Nhin đề nghị, Chính phủ sớm ban hành chính sách hỗ trợ trực tiếp người trồng càphê như là hỗ trợ lãi suất vay cho người trực tiếp sản xuất càphê tăng thêm thời gian vay từ 3 đến 5 năm để người dân có điều kiện đầu tư càphê. Mặt khác, cử tri đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành quỹ bảo hiểm nông nghiệp nhằm kịp thời, chủ động bù đắp rủi ro, giảm thiểu thiệt hại cho nông dân nói chung và người trồng cà phê nói riêng.
Đó cũng là ý kiến của đại biểu Huỳnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp). Theo đó, để nông dân có thể làm giàu từ cây lúa, Chính phủ nên tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tổ chức thực hiện tốt quy hoạch phát triển vùng sản xuất lúa có chất lượng cao. Tổ chức lập quỹ bình ổn giá lúa gạo từ nguồn thu một phần lợi nhuận trước thuế đối với hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp và một phần từ các nguồn khác. Đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất 100% cho nông dân vay vốn ngân hàng mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ lúa hè thu, vì vụ này chi phí cao, nhiều rủi ro, nông dân lãi thấp, điều hòa cung cầu vật tư đầu vào, thực hiện kiểm soát việc đăng ký giá đối với các loại phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu v.v... Tiếp tục đầu tư xây dựng mới và tu bổ hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 100% lúa hai vụ. Đối với những vùng sản xuất tập trung, hoàn thiện hệ thống thủy lợi kết hợp với xây dựng giao thông nội đồng tạo điều kiện áp dụng khoa học kỹ thuật đưa cơ giới hóa và nâng cao hiệu quả sản xuất. Có những giải pháp tăng cường liên kết vùng và liên kết bốn nhà, nhằm khắc phục những bất cập trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Xây dựng thương hiệu gạo của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Mở rộng thị trường tiêu thụ gạo ở trong và ngoài nước. Và sớm hoàn thành đề án bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm sản xuất lúa, tổ chức mạng lưới phân phối, đảm bảo cho việc thu mua lúa kịp thời và đúng giá.