00:00 Số lượt truy cập: 3041593

Nông nghiệp phía Bắc hối hả khởi động sau mưa lũ 

Được đăng : 03/11/2016
Bạt phủ trắng cánh đồng ươm của xã Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội), nơi cung cấp giống rau chủ lực cho 32 xã trong huyện và các địa phương lân cận. Bà con nông dân phía Bắc đang hối hả gieo hạt, chuẩn bị giống và làm đất trồng rau màu.

Đợt mưa lũ vừa qua đã làm cả vùng Hà Hồi ngập chìm trong nước. Bà con nông dân ở đây phải nhổ bỏ giống hư hỏng, vứt ra ao cũng không hết. Sau mấy hôm tạnh ráo, sáng 12/1, Hà Hồi khác hẳn với những tấm bạt căng phủ trắng đồng, chuẩn bị cho đợt ươm giống mới. Ở nhiều ruộng, cây đã nhú mầm.

Nhiều nhà may mắn ở khu đất cao, nay đã có cây giống để xuất bán. Nhà ông Hiển, bà Hằng nằm trong số đó khi còn 500.000 cây giống su hào, cải bắp, súp lơ sẵn sàng phục vụ sản xuất. Ông Hiển cho biết, phải mất 4-5 ngày bơm 24/24h gia đình ông mới cứu được chỗ rau giống này. Thậm chí, một số gia đình chấp nhận thuê đất giá 7 triệu đồng/sao ở chỗ cao để làm giống.

Hà Hồi từ lâu đã nổi tiếng trong việc ươm giống cây, phục vụ 32 xã trong huyện Thường Tín và các vùng lân cận. Mấy ngày nay, nhu cầu cây giống tăng cao khiến người dân ở đây làm không kịp bán. Anh Từ Ngọc Thắng, đội 5, xã Hà Hồi, nói với PV.VietNamNet, giá cây giống đã tăng gấp 4-5 lần.

Ngày thường, bà con còn phải đứng đón khách để bán giống. Sau đợt mưa lũ, nông dân khắp nơi đến hỏi mà cũng không có cây giống để bán, phải xếp hàng đặt trước. Giá giống su hào vì thế lên tới 400 đồng/10 cây, gấp 4 lần ngày thường, súp lơ 500 so với 150 đồng/cây trước khi mưa lũ.

Anh Thắng lý giải, giá cây giống đắt đỏ là do thời tiết, chứ giá hạt giống thì không thay đổi. Anh dẫn chứng, một lạng hạt giống (khoảng 1 triệu đồng) lúc thời tiết thuận thì cho 10.000 cây giống, nhưng khi trời mưa nắng thất thường chỉ cho 7.000-8.000 cây.

Chị Nguyễn Thị Lam, xã Tam Hiệp, Thanh Trì cũng phải lặn lội đến tận chợ Vồi (xã Hà Hồi) chấp nhận mua 200 cây giống súp lơ giá 500 đồng/cây để trồng cho kịp Tết, hy vọng khi thu hoạch sẽ bán được 8.000-10.000 đồng/cây.

Ruộng bên cạnh, bác Sửu cũng giục vợ nhanh tay làm đất để sớm mai kịp gieo mấy luống cải, trước hết để nhà ăn, sau còn thì bán bởi mấy này rồi, cả nhà kêu trời vì nông dân trồng rau mà cũng không có rau ăn, phải đi mua ngoài chợ.

Chẳng mấy nữa, người dân Hà Nội sẽ không phải mua rau với giá đắt đỏ. (Ảnh Phạm Hải).

Lãnh đạo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) tính toán, riêng số tiền cần để mua giống cho vụ đông là 280 tỷ đồng (ngô 180 tỷ, rau 100 tỷ) và khoảng 200 tỷ đồng khác để chuẩn bị giống cho vụ đông xuân. Hiện để đầu tư cho một hecta ngô cần tới 7-8 triệu đồng; đậu tương 5-6 triệu đồng, rau cao cấp 15 triệu đồng...

Vừa tiếp tục bơm tiêu úng, vừa kết hợp tiêu tự chảy, đến nay, một số tỉnh đã cơ bản đã hết diện tích úng ngập như Hải Dương, Nam Định; một số tỉnh diện tích ngập úng đã giảm nhiều so với trước như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nam. Các tỉnh này đang lo giống, chuẩn bị đất để tập trung cao độ trồng cây vụ đông. Bộ NN-PTNT cũng đã lập 6 đoàn kiểm tra, do 6 thứ trưởng dẫn đầu, đi khảo sát tình hình sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh.

Có mặt tại Bắc Ninh, Bắc Giang 2 ngày qua để chỉ đạo sản xuất, Trưởng phòng Cây Lương thực, thực phẩm (Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNT) Trần Văn Khởi thông báo tỉnh Bắc Ninh đồng ruộng cơ bản đã hết ngập úng.

Khoảng một nửa trong số 6.000ha cây vụ Đông của tỉnh này có khả năng khôi phục. Bà con đang tấp nập xuống đồng, vun xới đất, bón thúc phân....

Riêng tại Bắc Giang, do nhiều vùng nước vẫn ngập trắng nên tỉnh thống nhất chủ trương ngừng trồng mới rau màu vụ Đông, chờ đến vụ lúa Đông Xuân tới.

Tại các xã vùng ven sông Đáy như Thị trấn Chúc Sơn, Lam Điền, Thụy Hương (thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội)... ngay sau khi nước rút, bà con cũng khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, gieo trồng rau màu. Đến nay, bà con vùng bãi ven Đáy đã gieo trồng được 300 ha, chủ yếu là rau cải, khoai tây... Huyện Chương Mỹ dự tính hỗ trợ 17 tỷ đồng cho bà con vùng ngập úng mua giống, phục hồi sản xuất.

Đợt mưa lớn kéo dài từ cuối tháng 10, đầu tháng 11/2008 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho sản xuất trồng trọt, đặc biệt đối với cây trồng vụ Đông. Trên 250.000ha bị ngập úng, trong đó mất trắng 180.000ha và hàng nghìn ha cây ăn quả, cây cảnh bị ảnh hưởng nặng nề.

Do vậy, ngoài triển khai các biện pháp khắc phục sản xuất, Cục Trồng trọt đề nghị xuất khoảng 7.000 tấn giống khoai tây chất lượng đạt tiêu chuẩn từ Hà Lan, Đức... đã được nhập về và đang bảo quản trong kho lạnh nhằm kết thúc việc trồng khoai tây trước 20/11. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 45 tấn hạt rau phục vụ sản xuất.