Chỉ một thời gian rất ngắn nữa, Việt Nam sẽ là thành viên của WTO. Nhưng thời điểm này, giá đường trong nước đã sụt giảm. Giá đường đang bán tại nhà máy đường Sông Con là 6.700đồng/ kg, nhà máy Tate & Lyle giá đường cao hơn một chút nhưng chỉ đạt 7.100đ/ kg, thấp hơn đầu vụ năm ngoái bình quân 1 ngàn đồng/ kg. Tuy vậy, các nhà máy cho biết đường vẫn khó bán. Nguyên nhân thời gian qua, các nhà máy đã góp phần tạo ra thị trường ảo, giữ hàng. Bây giờ đều tung ra bán để giải phóng kho vào vụ ép mới. Nguyên nhân quan trọng nữa là tâm lý "chuẩn bị" cho WTO mà hầu hết các nhà máy đều cảm nhận sự khó khăn nhiều hơn là cơ hội, nhất là giai đoạn đầu làm quen với "sân chơi" mới. Trên thị trường đường thế giới, đường Việt Nam mà Nghệ An là một trung tâm sẽ phải cạnh tranh về giá, chất lượng với các nước sản xuất đường hàng đầu như Braxin, Úc, Trung Quốc mà gần nhất là đường Thái Lan. Sắp tới đường Thái Lan sẽ vào Việt Nam một cách đàng hoàng chứ không phải "lậu" và với giá hiện tại 6.500 đồng/ kg, họ có khả năng thu hút người tiêu dùng cao hơn. Ông Trần Kim Lộc- phó Tổng giám đốc nhà máy đường Tate & Lyle cho hay: "Sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là cạnh tranh với đường Thái Lan, Trung Quốc". Tại sao chúng ta chưa cạnh tranh được với họ về giá? Đáp án đó chính là năng suất. Hiện tại: năng suất bình quân mía Thái Lan đã đạt 80-90 tấn/ ha, canh tác tập trung, trong khi đó tại Nghệ An, thời tiết cùng nhiều yếu tố kỹ thuật, trình độ thâm canh khiến năng suất bình quân mới đạt khoảng 45-55 tấn/ ha. Năng suất thấp nếu không mua giá mía cao cho bà con thì bà con sẽ đói, khổ, sẽ không trồng mía nữa. Mà mua giá cao thì nhà máy phải bán giá đường cao, không cạnh tranh được. Ngay cả dứa quả: tại Thái Lan năng suất bình quân đã đạt 90 tấn/ ha, một ha nếu tính theo tiền Việt, bà con nông dân sẽ thu được 90 triệu đồng. Thế nhưng do năng suất của ta mới đạt 30-40 tấn/ ha nên giá thu mua của ta cũng phải cao hơn Thái.
Công bằng mà nói nông sản của tỉnh ta có chất lượng, được quốc tế đánh giá cao như các mặt hàng lạc, chè, dứa và cả đường. Thế nhưng, đã có tình trạng một số ít bà con và lái thương hám lợi đã rưới nước vào cho lạc nở, rồi sang các nước khác thì lạc đổi màu, mốc, bị trả về, hay chè thì hái dài đến ba bốn lá để cân cho nặng... Mặt hàng lạc là mặt hàng chúng ta đang xây dựng thương hiệu, nhưng các công ty tham gia xuất khẩu lạc cho hay: giá lạc mua trong nước cao hơn giá xuất khẩu là một trở ngại đối với các doanh nghiệp làm nhiệm vụ. Nhiều doanh nghiệp đã không có lời, khi giá lạc của ta bình quân cao hơn khu vực 100 USD/ tấn. Những năm trước, giá từ 9000 đồng- 10.000 đồng/ kg, năm 2006 giá lạc mua của bà con đã lên đến 14.000 đồng/ kg. Kim ngạch xuất khẩu lạc giảm sút nghiêm trọng do 90% sản lượng lạc của ta sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Như công ty CP nông sản XNK tổng hợp (vốn dẫn đầu về xuất khẩu lạc) năm qua đã không xuất được một củ lạc nào. "Vào WTO, tôi nghĩ cũng không khó hơn được nữa" - ông Trần Đức Vinh- Giám đốc công ty CP nông sản XNK tổng hợp bình luận. Chất lượng lạc phụ thuộc vào tập quán và thị trường. Đó là khi bà con găm hàng chờ giá, hay thị trường khó tính. Vào WTO : quan trọng nhất là bà con có tiêu thụ được sản phẩm không. Hiện nay mặt hàng lạc vẫn có đầu ra, bà con đang bán "chạy" sang Trung Quốc. Song Trung Quốc là thị trường không ổn định, không thu được kim ngạch, nếu Trung Quốc không "ăn" nữa thì lạc của ta lại trở về với mốc cũ: bà con kêu giá thấp, trong lúc đó vẫn cao hơn giá quốc tế, khiến xuất khẩu chính ngạch rất khó. Lúc đó khả năng lại phải bán "chợ trưa".
Năng suất chè, mía, dứa, lạc của chúng ta đều đang thấp. Giá cả vật tư đầu vào lại đang tăng cao, từ phân bón, thuốc diệt cỏ, diệt sâu...trở ngại đầu tư thâm canh. Bên cạnh đó: công nghệ chế biến sau thu hoạch đang rất hạn chế. Ngoại trừ sản phẩm đường, dứa, các nông sản khác đều đang xuất dưới dạng nguyên liệu. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với các sản phẩm nông sản chế biến sẵn của các nước khi nhập vào Việt Nam. Chúng ta sẽ phải cạnh tranh từ chính trên đồng ruộng của các nước chứ không phải chỉ là sản phẩm. Gia nhập WTO, người tiêu dùng sẽ có lợi vì giá nhiều sản phẩm buộc phải giảm. Còn đối với nhiều bà con nông dân: giá nông sản giảm nữa lại bộc lộ nhiều nguy cơ khác.