Một điều khẳng định chắc chắn rằng, nếu được định vị là “kho lương thực” của thế giới thì thương hiệu nông sản của Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc và hoàn toàn có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề dễ dàng. Trước hết là phải giải quyết năng lực và ý thức về xây dựng thương hiệu của chính ngay các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam. Ông Lê Đăng Doanh - chuyên viên kinh tế cao cấp - đã từng cho rằng, xây dựng chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam rất kém, chỉ có 32% DN trong tổng số các DN xuất khẩu nông sản có chiến lược cụ thể, 45% không có chiến lược cụ thể, 49% không quan tâm với lý do hàng vẫn bán và doanh số vẫn tăng. Một điểm yếu nữa của doanh nghiệp Việt Nam là tính đoàn kết trong chia sẻ lợi nhuận yếu, vì thế không liên kết được với nhau trong xây dựng chiến lược tạo thương hiệu lâu dài. Điều này cũng lý giải cho câu hỏi chưa có lời giải: Vì sao thương hiệu nông sản Việt vẫn mờ nhạt? Một ví dụ điển hình là mặt hàng chè. Hiện nay, chúng ta đang đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè và có tới 110 nước biết đến sản phẩm này của Việt Nam. Tuy nhiên, tại buổi họp báo hội nghị Xúc tiến Đầu tư và thương mại ngành chè năm 2009, Hiệp hội Chè cho biết, giá chè của Việt Nam chỉ bằng 1/2 giá chè bình quân trên thế giới, 98% lượng chè xuất khẩu là ở dạng nguyên liệu thô. Theo tiến sĩ Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam, hiện nay, giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam chỉ ở mức khoảng 1.100 USD/tấn, trong khi giá bình quân trên thị trường thế giới là 2.200 USD/tấn. Chưa kể, một số khách hàng của ngành chè Việt Nam tại Anh, sau khi mua chè nguyên liệu về chế biến đã bán ra với giá khoảng 9.800 USD/tấn. Ông Phong cho rằng, nguyên nhân chính của thực trạng trên là do 98% lượng chè xuất khẩu của nước ta đều ở dạng nguyên liệu thô, đóng bao 50 kg. Chúng ta cũng có tới 635 nhà máy chế biến nhưng vùng nguyên liệu có nơi chỉ đáp ứng được 40% nên đã dẫn tới tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu. Một điều đáng nói nữa là chất lượng sản phẩm không đồng đều, kéo giá bán xuống thấp. Đối với nhiều tỉnh miền núi ở nước ta thì cây chè luôn được coi là thế mạnh, một trong những loại cây có thể tham gia xóa đói giảm nghèo. Cây chè đã được phát triển ở 34 tỉnh, với khoảng 6 triệu lao động tham gia. Kim ngạch xuất khẩu mỗi năm ngành chè thu về khoảng 130-140 triệu USD. Năm 2008, số liệu thống kê diện tích trồng chè của cả nước là 131 nghìn ha. Theo kế hoạch đến 2015 sẽ nâng diện tích này lên 150 nghìn ha. Nếu phát triển được những giống chè mới đạt năng suất khoảng 12 tấn búp tươi /ha tương đương với 2,5 tấn khô/ha và giá xuất khẩu đạt mức 3.000 USD/tấn, thì chè hoàn toàn có thể trở thành cây xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, theo ông Phong để làm được điều này rất cần sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước do ngành chè hiện nay không chỉ thiếu về vốn để phát triển vùng nguyên liệu mà máy móc, trang thiết bị chế biến cũng hết sức lạc hậu, không đồng bộ. Thêm vào đó, bản thân người nông dân cũng chưa có ý thức trong việc tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao. Ông Phong đề xuất, tới đây ngành chè nên xây dựng theo mô hình: nhà máy của nông dân, nông dân có nhà máy, khi đó quyền lợi của người sản xuất và nhà chế biến mới gắn kết chặt chẽ với nhau. Điều này sẽ giúp tạo ra những sản phẩm chè mang thương hiệu Việt Nam thay vì phải bán nguyên liệu thô như hiện nay. Từ câu chuyện xây dựng thương hiệu của ngành chè trong nước, có thể thấy, để xây dựng được thương hiệu nông sản, các doanh nghiệp Việt Nam phải chế biến sâu hơn, huy động trí sáng tạo của người dân. Các doanh nghiệp cần bỏ quan niệm cạnh tranh bằng cách hạ giá thành, mà phải xây dựng thương hiệu và cạnh tranh bằng các dịch vụ kèm theo. Tức là doanh nghiệp cần xây dựng thương hiệu bằng chất xám mà trước hết phải xây dựng lực lượng lao động kỹ thuật cao. Lúc đó không phải tính đến xuất khẩu sao cho nhiều hàng hóa mà tính đến chế biến sâu hơn để tạo thương hiệu riêng cho quốc gia mình. |