Đây không chỉ là “giấy chứng nhận” khẳng định những nỗ lực trong quá khứ, mà còn là động lực của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong tương lai.
Cty CP thực phẩm Lâm Đồng (Ladofood) là một trong 3 nhà cung cấp rượu vang cho Hội nghị cấp cao APEC. Ông Nguyễn Văn Việt – GĐ Cty cho biết: Ladofood sản xuất và cung cấp cho hội nghị 3 loại rượu vang ngon nhất mang nhãn hiệu Vang Đà Lạt, trong đó có hai loại đỏ và một loại trắng.
Trước đó, 3 loại rượu này đã được sử dụng trong Hội nghị Bộ trưởng du lịch APEC diễn ra tại Hội An. Được biết, từ 3-4 năm về trước, Ladofood đã đầu tư phát triển một giống nho chất lượng cao tại Ninh Thuận.
Cùng với đầu tư nguồn nguyên liệu, Ladofood đã ứng dụng những phương pháp, công nghệ tiên tiến trong sản xuất để cho ra đời các loại rượu vang có thể làm hài lòng những thực khách khó tính nhất tại bàn tiệc APEC.
Nhằm đón đầu những sự kiện quan trọng như APEC và trên hết là để nâng cao khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập, những năm qua, nhiều DN đã chú trọng đến việc nâng cao giá trị sản phẩm, biến những cây trái dân dã thành những sản phẩm độc đáo.
Vinamit là một trong số đó. Công ty này đi đầu trong việc đầu tư công nghệ sấy khô các loại nông sản như mít, táo, chuối, khoai tây… Chính vì vậy, trên bàn tiệc Hội nghị APEC dịp này còn có mặt các sản phẩm sấy khô mang thương hiệu Vinamit.
Đáng kể hơn cả trong việc đầu tư công nghệ mới và nghiên cứu phát triển là Cty Cà phê Biên Hòa (Vinacafe). Tháng 4/2006, Vinacafe đã vượt lên trên 140 nghìn DN của 183 quốc gia để nhận giải thưởng WIPO do Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới trao tặng.
Khác biệt căn bản và cũng là sự vượt trội của Vinacafe ở chỗ làm chủ công nghệ, có bí quyết khai thác hương vị thật của hạt cà phê Việt Nam. Vinacafe cũng là một trong số ít thương hiệu cà phê Việt Nam có mặt trong Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 14.