00:00 Số lượt truy cập: 2637523

Nông sản tăng giá, mừng ít lo nhiều! 

Được đăng : 03/11/2016

Phụ thuộc vào giá không phải là con đường phát triển bền vững của nông sản VN, lĩnh vực được xếp vào loại nhạy cảm khi gia nhập WTO.


Hàng loạt các mặt hàng nông sản xuất khẩu giá tăng mạnh đúng vào thời điểm VN chuẩn bị gia nhập WTO. Đây có thể coi là một thuận lợi lớn cho ngành hàng nhạy cảm này trước thềm hội nhập. Nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) tỏ ra lo lắng vì nhìn sự bấp bênh của... giá.

Hồ tiêu thắng lớn!

Ngày 20-9, giá thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước đã lên đến 45.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với thời điểm tháng 6-2006. Giám đốc Nông trường Sông Hậu, bà Trần Ngọc Sương, giải thích: “Giá hạt tiêu nội địa tăng do tác động bởi giá xuất khẩu. Từ đầu tháng 9-2006 đến nay, giá bán trên thị trường thế giới liên tục tăng. Giá hạt tiêu đen xuất khẩu của các DN VN hiện đang ở mức 2.750 USD/tấn, so với cách đây một tháng chỉ khoảng 2.000 USD/tấn”.

“Đây là mức giá mà ngay từ đầu năm ít có ai nghĩ đến. Với mức giá này, người trồng tiêu và cả DN xuất khẩu đều lãi lớn!” - ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN, nói. Tính đến thời điểm này, các DN cả nước đã xuất khẩu được 102.000 tấn hạt tiêu, kim ngạch mang về 151 triệu USD, trong khi cả năm 2005 lượng xuất khẩu chỉ đạt hơn 96.000 tấn với giá trị tương đương 120 triệu USD. Dự báo từ nay đến cuối năm, không những thuận lợi về giá bán mà thị trường xuất khẩu cũng sẽ rộng hơn cho hạt tiêu VN. Điều này sẽ giúp cho ngôi vị xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới của VN càng được củng cố.

Phập phồng giá mủ cao su

Sau một thời gian dài liên tục tăng giá, khoảng một tháng trở lại đây, giá xuất khẩu mủ cao su của VN đang theo chiều hướng ngược lại. Hiện mủ cao su được các DN chào bán với giá khoảng 26 triệu đồng/tấn, giảm 20 triệu đồng/tấn so với thời điểm tháng 7-2006, đây là mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, một quan chức của Tổng Công ty Cao su VN (Geruco), cho rằng sự “tụt dốc” này nằm trong dự báo của các DN xuất khẩu. Ở thời điểm tháng 6 và tháng 7-2006, giá xuất khẩu trên thị trường thế giới lên đến 46 triệu đồng/tấn, nhưng đây là giá ảo, chỉ tăng nóng trong thời điểm các nước có sản xuất mủ cao su đã hết hàng. “Giá xuất khẩu hiện nay mới đúng là giá thật của thị trường và đúng dự báo của chúng tôi. Năm 2005, giá xuất khẩu trung bình đạt 22 triệu đồng/tấn, ngành cao su thắng lớn. Năm nay dự báo là 26 triệu đồng/tấn nên không gì phải lo lắng!” - quan chức này khẳng định.

Làm gì để ổn định, phát triển ?

Xuất khẩu hồ tiêu VN đang tạo sự bất ngờ, nguyên nhân chính là do sản lượng tiêu của các “đối thủ” VN là Brazil, Ấn Độ, Malaysia... đều giảm, nên cung yếu hơn cầu. Ngay cả trong nước, khi thất bát trong năm 2003, hàng loạt nông dân đã chặt tiêu, hoặc bỏ hoang không chăm sóc, nên diện tích đã giảm mạnh. Ở Phú Quốc, diện tích trồng tiêu hiện nay chỉ còn 420 ha, so với 775 ha vào năm 2001. “Điều chúng tôi băn khoăn là giá tăng sẽ kích thích nông dân mở rộng diện tích trong năm tới, khi đó sẽ rơi vào cảnh “được mùa, rớt giá”- bài học cay đắng mà ngành hồ tiêu VN đã trải qua!”- ông Nam lo lắng.

Tổng Giám đốc Geruco, ông Lê Quang Thung, cũng nhận ra rằng, ngành cao su không thể cứ phập phồng trông chờ vào giá lên xuống của thế giới, mà phải đầu tư khâu chế biến, lĩnh vực kinh doanh phải đa ngành nghề, khi đó mới ổn định được để phát triển.