00:00 Số lượt truy cập: 3043647

Nữ hoàng bạch mã 

Được đăng : 03/11/2016

Từng là chủ doanh nghiệp chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, là Ủy viên Hội Thú y Việt Nam, thời gian gần đây, chị lại có công rất lớn trong việc nhân giống và duy trì giống ngựa bạch quý, hiếm. Chị là Nguyễn Thị Thanh Hằng, chủ cơ sở chăn nuôi ngựa bạch Vạn An ở xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.


“Nữ hoàng” ngựa bạch

Con ngựa bạch non lọt lòng mẹ với bàn tay của bà đỡ Nguyễn Thị Thanh Hằng

Trong thời gian chị tham gia sản xuất và cung ứng cám Con Cò cho các tỉnh phía Bắc, có đợt, hàng trăm hộ nông dân nợ chị tiền hàng mà họ không có khả năng trả nợ do chăn nuôi thua lỗ. Sợ họ nản chí, chị động viên họ tiếp tục chăn nuôi, nhưng do thời tiết không thuận lợi, người chăn nuôi vẫn tiếp tục lâm vào tình trạng phá sản, số tiền vốn bỏ ra chị không thể thu về được.

Không vốn, không thể tiếp tục sản xuất, chị quay sang đầu tư lập cơ sở để chăn nuôi. Nhưng cơ duyên không đến với chị, đàn gia súc, gia cầm thi nhau ốm rồi chết. Đang trăn trở với công việc, một hôm chị xem chương trình ti vi nói về giá trị chữa bệnh của cao ngựa bạch. Sau đó, chị đã mạnh dạn xin ý kiến của Hội Thú y Việt Nam cho phép chị đưa giống ngựa bạch từ Lạng Sơn, Cao Bằng về nuôi tại cơ sở mình.

Đề nghị của chị được chấp nhận, chị quay về gom hết tài sản trong gia đình, vay bạn bè được hơn 100 triệu đồng, quyết định lên Lạng Sơn tìm mua ngựa bạch. Ban đầu chị mua được 10 con ngựa bạch thuần chủng, không đủ chị tìm lên Cao Bằng, Thái Nguyên… mua thêm được 10 con ngựa bạch khác.

Chị nghĩ, cơ sở rộng gần 7ha mà có 20 con ngựa thì rất lãng phí và một lần nữa chị lại xin phép Hội Thú y Việt Nam sang Tây Tạng mua thêm 20 con ngựa bạch về nhân giống. Chị Hằng tâm sự: “Ngoài yếu tố màu lông bên ngoài, để được xếp vào loài ngựa bạch, con ngựa đó phải hội tụ các yếu tố sau: Mắt có màu trắng mây, xung quanh con ngươi có một vành màu đồng lửa; khi mặt trời đứng bóng mắt bị lòa, trời tối mắt đỏ như lửa; bộ phận sinh dục, mũi, mõm có màu hồng đỏ, bốn chân có móng sừng trắng ngà”. Chị cho biết thêm: “Ngựa bạch nếu thiếu những đặc điểm trên chỉ được gọi là ngựa kim vì nó là sản phẩm lai”.

Vừa qua chị và Hội Thú y Việt Nam đã kiểm tra những con ngựa không thể sinh sản, hay đã già để mổ, nấu cao cung cấp cho thị trường. Hiện nay, thị trường bán cao ngựa bạch của chị đã có mặt ở Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Giờ cơ sở Vạn An của chị đã nổi tiếng khắp miền Bắc, vì cơ sở đã góp phần rất lớn cùng Hội Thú y Việt Nam bảo tồn giống ngựa bạch tại Việt Nam. Cũng từ đó, cái tên “nữ hoàng” ngựa bạch đất Bắc được nhiều người biết đến.

Ước mơ có giấy phép thành lập trang trại

Nhờ có Hội Thú y Việt Nam luôn quan tâm và theo dõi thường xuyên nên đàn ngựa rất khỏe mạnh. Vừa qua, ngoài hơn 40 con hiện có, chị đã nhân giống thêm được 11 con ngựa bạch. Hằng năm cơ sở của chị còn được phép nấu cao ngựa cung cấp cho thị trường. Doanh thu hằng năm của cơ sở lên tới hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ vậy, cơ sở của chị luôn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong vùng. Hiện nay, cơ sở chị là mô hình điểm của miền Bắc và là cơ sở tư nhân đầu tiên nuôi, nhân giống ngựa bạch thành công tại Việt Nam.

Chị có kế hoạch nhân giống ngựa bạch lên con số 100 con vào năm 2010. Chị nói, nước ta có nhiều thuận lợi để nhân giống ngựa bạch, bởi ngựa bạch rất dễ thích nghi với mọi điều kiện khí hậu. Chị Hằng tâm sự: “Chỉ cần 50 – 60 triệu đồng là có thể mua được cặp ngựa bố mẹ về nhân giống, cơ sở luôn sẵn sàng cung cấp ngựa giống cho người dân có nhu cầu và sẽ hướng dẫn cách chăm sóc, nấu cao ngựa bạch…”.

Thức ăn cho ngựa bạch cũng dễ tìm. Hầu như tất cả các củ, quả, rau và cỏ… ngựa đều thích ăn. Chính vì vậy, tháng 2 vừa qua, đàn ngựa bạch của chị là “cần câu” của hàng chục hộ nông dân trồng rau trong vùng khi họ trồng rau mà không nơi tiêu thụ. Hiện nay, trăn trở lớn nhất của chị là mong huyện Thanh Trì cấp giấy phép thành lập trang trại và tạo điều kiện thuận lợi để trang trại bảo tồn giống gien ngựa bạch quý, hiếm đang có nguy cơ biến mất tại Việt Nam.

Theo BS Hoàng Triều, Ủy viên thường trực, Trưởng ban Kinh tế Hội Thú y Việt Nam, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 300 – 400 con ngựa bạch. Riêng xã Hữu Kiên (Lạng Sơn) có 150 con ngựa bạch, chiếm gần 1/2 tổng số ngựa bạch. Tại cơ sở Vạn An (Hà Nội) có 45 con và số ngựa bạch còn lại nằm phân bố ở Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang…

Theo kết quả thẩm định của Hội Chăn nuôi Việt Nam, ngựa bạch có hàm lượng protein trên 70%; lipid từ 2,6% – 7%; canxi 192 – 1519 mg%; phốt pho 29 – 420 mg%, nhất là 17 loại Amino Acid không thể thay thế được bằng thức ăn thông thường.

Mặc dù cao xương ngựa tốt thứ 2 sau cao xương hổ nhưng vẫn chỉ là loại thực phẩm chức năng, không thay thế được thuốc chữa bệnh.