00:00 Số lượt truy cập: 2995606

“Nước mắt” vải thiều 

Được đăng : 03/11/2016

Mới đầu mùa nhưng vải thiều Bắc Giang đã rớt giá thê thảm chỉ còn trung bình 1.000 - 1.500 đồng/kg. Người trồng vải đang sống dở chết dở ngay trên những trang trại vải được mùa...


Đứng bên trang trại hơn ba mẫu vải quả nặng trĩu cành nhà mình, ông Trần Anh Từ (thôn Tam Tầng, xã Quý Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) lắc đầu ngao ngán: “Vải được mùa thật đấy nhưng giá cả cứ như mấy hôm nay thì vụ này thua lớn. Cùng thời điểm này năm ngoái, vải đầu mùa bán được 7.000-9.000đ/kg, năm nay giá chỉ có một phần ba. Cứ thu hoạch nữa xem ra tốn tiền thuê công trảy 40.000đ/tạ mà chưa chắc bán được, nài nỉ mãi thì bị thương lái ép giá”.

Ông Từ cũng cho biết sáng sớm ông cùng con trai chở 3 tạ vải ra ngoài điểm thu mua nhưng phải xếp hàng từ sáng đến sẩm tối vẫn chưa tới lượt mình, chạy lòng vòng mãi ông đành đem về bán rẻ cho một lò sấy vải khô với giá 4.000đ/kg. “Biết thế không thu hoạch nữa cho đỡ tốn công!” - ông Từ thở dài. Ngay cạnh ông Từ, trang trại vải nhà ông Đoàn Văn Truyền cũng đang để rụng đỏ gốc.

Được mùa nhưng... chết dở!

Những ngày này dọc các con đường ở phố Kim, Mỹ Sơn, Giáp Sơn, Quý Sơn của huyện Lục Ngạn - nơi có những điểm thương lái tập trung thu mua - luôn kẹt đường tới 2km. Nông dân ùn ùn chở vải đi bán. Hàng đoàn xe tải lớn xếp thành hàng dài. Tại khu vực phố Kim, vải chồng chất trên các xe máy, xe cải tiến và cả xe công nông chật ních, ngổn ngang các lối đi.

“Quá đông người đem bán nên giá giảm từng giờ. Lúc sớm họ trả 2.500đ/kg, đến đầu giờ trưa còn 1.800đ, còn giờ họ chỉ trả 500đ/kg thôi. Không bán chẳng lẽ đem đổ đi. Vải cứ giá này thì lấy đâu tiền trả ngân hàng mà nợ đã sắp hết hạn” - vợ chồng ông Trần Văn Luyến, thôn Cầu Cao, xã Quý Sơn, Lục Ngạn vừa quệt mồ hôi vừa đếm những đồng bạc lẻ than thở. Năm ngoái, hai mẫu vải của vợ chồng ông Luyến dù mất mùa nhưng trừ chi phí vẫn thu được gần 20 triệu đồng. “Năm nay vợ chồng con cái dồn sức chăm sóc, thời tiết lại thuận lợi nên năng suất tăng gấp ba lần. Ai ngờ giá vải lại chết dở như thế này, không biết có đủ tiền phân tro và trả công chăm sóc nữa không. Biết thế, cứ... mất mùa như năm ngoái lại đỡ trắng tay!” - ông Luyến nói như mếu.

Ông Hỉ Văn Lì, chủ tịch UBND xã Quý Sơn, cho biết xã có sản lượng vải cao nhất của cả huyện và tỉnh nhưng hiện tại nông dân đã quá ngán ngẩm với vải. “Để chăm sóc một mẫu vải họ mất khoảng 2 triệu đồng tiền phân, 3 triệu thuốc trừ sâu và thuê nhân công trảy 40.000đ/tạ. Giá vải như năm nay thì coi như mất trắng” - ông nói.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các huyện trồng vải khác như Lục Nam, Lạng Giang, Sơn Động của tỉnh Bắc Giang, giá vải cũng rớt tương tự. Một số nhà đã đốn vải trồng hồng không hạt để thay thế vụ sau.

Sấy để chờ giá lên?

Theo ông Nguyễn Văn Tuyến, phó chủ tịch UBND huyện, trưởng Ban chỉ đạo tiêu thụ vải Lục Ngạn (Bắc Giang), việc vải thiều mới vào đầu vụ đã rớt giá trầm trọng có nguyên nhân là do năm nay vải được mùa lớn. Sản lượng vải của huyện Lục Ngạn năm nay là 130.000 tấn, gấp hơn 2,5 lần so với năm ngoái (50.000 tấn). Mặt khác, theo ông Tuyến, một nguyên nhân khác cũng quan trọng là năm nay phía Trung Quốc, Đài Loan cũng được mùa nên thương lái nước bạn không sang mua. Hiện tại Lục Ngạn chỉ có ba điểm thu mua của thương lái Trung Quốc trong khi năm ngoái mất mùa lại có trên 30 điểm.

Ông Nguyễn Văn Liêm, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Giang, cho biết còn một nguyên nhân khác là hiện ở Bắc Giang có quá ít công ty chế biến nông sản và công suất quá nhỏ nên không thể tìm đầu ra cho vải thiều. “Cả tỉnh chỉ có bảy công ty chế biến với năng lực thu mua một năm là 4.000 tấn, trong khi toàn tỉnh có tới 180.000 tấn vải mỗi năm thì chuyện vải ế, bị ép giá là đương nhiên”. Ngoài ra cũng theo ông Liêm, các công ty này còn lạc hậu khi áp dụng công nghệ bóc tách vỏ vải thủ công nên càng không thể nâng cao năng lực thu mua khiến bà con nông dân lao đao khi vải được mùa.

Để giải quyết tình trạng giá còn rớt xuống nhiều khi vào chính vụ (5-7 ngày nữa), UBND huyện Lục Ngạn chủ trương khuyến khích người dân nếu không được giá nên chuyển sang sấy khô, chờ giá lên.

Tuy nhiên, nhiều hộ dân trồng vải cho rằng việc sấy khô cũng không khá hơn vì phải mất chi phí tiền than (hiện giá than ở Bắc Giang tăng từ 600.000đ lên 750.000đ/tấn) cộng với tiền thuê nhân công khá cao.

“Sấy xong nhưng ai dám đảm bảo sẽ bán được và không bị ép giá như vải tươi” - một hộ trồng vải lo lắng nói.