Trước tình trạng đó, năm 2009, ThS Nguyễn Huấn - Phó Phòng kinh tế thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) đã nghiên cứu, thử nghiệm mô hình dùng nước thải ao nuôi cá để tưới cho ruộng lúa.
Theo ông Huấn, lượng nước thải này thường chưa được xử lý trước khi thải ra ngoài. Trong nước thải chứa nhiều thức ăn dư thừa, chất thải của cá, lượng thuốc, hóa chất xử lý phòng trị bệnh cá... Sử dụng lượng nước thải này để tưới ruộng lúa sẽ giúp giảm lượng phân đạm, phân lân bón cho lúa, giảm chi phí giá thành sản xuất. Đồng thời các chất hữu cơ có trong nước thải sẽ góp phần cải tạo đất, giúp tăng năng suất lúa…
Dùng nước thải từ ao nuôi cá tra tưới ruộng đang được nhiều bà con ở ĐBSCL sử dụng. Duy Khương |
Bước đầu, mô hình thực hiện tại xã Bình Thạnh trên diện tích 12ha của 6 hộ dân. Theo đó, người nuôi cá tra hợp tác với những hộ có diện tích sản xuất lúa xung quanh ao nuôi để sử dụng nước thải tưới cho lúa, xây dựng hệ thống bơm đưa nước từ ao nuôi cá lên ruộng, đảm bảo đủ nước tưới cho lúa... Chi phí trong quy trình thực hiện được thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
So sánh kết quả giữa ruộng lúa sử dụng nước thải từ ao nuôi cá tra so với ruộng đối chứng, nhóm thực hiện kết luận, tổng chi phí sản xuất ở ruộng tưới bằng nước thải giảm gần 2,3 triệu đồng/ha trong khi năng suất lúa tăng khoảng 150kg/ha. "Giá thành sản xuất lúa do đó giảm hơn 400 đồng/kg và lợi nhuận tăng gần 2,5 triệu đồng/ha.
Tổng cộng, mô hình đã giúp lợi nhuận của 6 hộ trồng lúa tăng thêm khoảng 30 triệu đồng"- ThS Nguyễn Huấn cho biết. Tuy nhiên, ông Huấn cho rằng, lợi ích lớn nhất mà mô hình mang lại là xử lý được lượng lớn nước thải từ ao nuôi cá tra, giải quyết được vấn đề môi trường. "Mới đây, Viện Lúa ĐBSCL đã có dự án nghiên cứu khoa học để có kết quả cụ thể về các chỉ tiêu như việc lan truyền dịch bệnh, các chỉ tiêu sinh lý, sinh hóa khác để nhân rộng mô hình ra trên toàn ĐBSCL"- ông Huấn cho biết thêm.
Đại diện Viện Lúa ĐBSCL cho biết, mô hình sử dụng nước thải ao nuôi cá tra để tưới ruộng lúa hiện được nhiều bà con nông dân tại An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ áp dụng với tỷ lệ 3ha nuôi cá tưới cho 51ha lúa, mang lại hiệu quả kinh tế- xã hội cao.