Sau 3 năm tự mày mò nghiên cứu, ông Tòng đã cho ra đời một sản phẩm là nước trái thanh long lên men, một thứ nước giải khát hoàn toàn không hóa chất, không độc hại và rất ngon, được mọi người ưa chộng. Sản phẩm của ông đẫ đạt giải Nhất trông cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông của tỉnh Long An lần thứ II.
Trong thời kỳ bùng nổ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay. Các hãng nước giải khát, trái cây muốn tồn tại và phát triển được đều phải có những bước đi tầm chiến lược, ứng dụng công nghệ tiên tiến, quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt thì sản phẩm mới có cơ hội cạnh tranh được trên thị trường.
Vậy nhưng, với niềm đam mê mày mò chế biến, ông nông dân Nguyễn Văn Tòng chủ cơ sở sản xuất Kiều My, ở ấp Hội Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành (Long An) vẫn không quản thời gian và công sức, cho ra đời sản phẩm thủ công nhưng rất được ưa chuộng, đó là nước thanh long lên men. Sản phẩm của ông đã nhận được được sự đồng tình ủng hộ của bà con địa phương và các tỉnh lân cận. Những người đã dùng thì hết lời khen ngợi, những người được bác cho thử thì sau khi uống một hớp nhỏ thăm dò cũng gật đầu: được, được. Về chất lượng thì ông cho biết, do làm bằng biện pháp thủ công nhỏ lẻ, nên hoàn toàn là sản phẩm sạch và an toàn, đây chỉ là công nghệ lên men rượu thông thường mà nguyên liệu là trái thanh long, một thứ trái cây rất rẻ và rất sẵn ở địa phương. Mùi vị thơm mát, cả trẻ con và người lớn đều có thể dùng được, rất tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ . Và một điều không kém phần quan trọng góp phần làm nên thành công của ông đó là giá thành rẻ so với các loại nước trái cây giải khát công nghiệp.
Với vẻ chân thành và cởi mở, ông tâm sự: Tình cờ trong lần đi cắt tóc tại tiệm ông Tư, là bạn tâm giao với ông, ông đã được gặp Tiến sĩ Võ Mai, phó chủ tịch Hội làm vườn Việt Nan. Sau khi nói chuyện và trao đổi, bà tiến sỹ này đã cho ông một ý tưởng mới về việc chế biến một loại nước hoa quả từ trái thanh long mà bà đã được biết và được uống trong một đợt đi công tác tại Singapore.
Tìm đến Sở KH – CN Long An nhưng cũng không tìm kiếm được sự ủng hộ và trợ giúp kỹ thuật, không hề nản lòng, ông đến gõ cửa Viện nghiên cứu cây ăn quả Miền nam và được cán bộ ở đây gợi ý về quy trình lên mên dạng “cơm rượu” cho sản phẩm này. Ngay lập tức, ông bắt tay vào chế biến thứ nước trái cây này. Những sản phẩm đầu tay chưa được mấy ưng ý vì men qua nhẹ, ruột thanh long bóp tay không được đều, năng suất rất thấp, tỷ lệ hỏng cao. Không hề nản, ông tiếp tục thay đổi, từ việc không dùng tay bóp ruột thanh long, ông dùng máy xay sinh tố, tăng liều lượng men rượu và cẩn thận hơn trong quy trình ủ để đạt được kết quả thành công cao hơn. Mỗi lần rút ra một bài học, một kinh nghiệm, điều chỉnh các thông số liều lượng và thời gian theo từng đợt, và đến khi sản phẩm đã đạt được như mong muốn thì ông bắt đầu cho sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm của ông được Chi cục ATVSTP – Sở Y tế Tỉnh Long An cấp chứng nhận Tiêu chuẩn sản phẩm số 153/2010/YTLA – CNTC ngày 17 tháng 09 năm 2010.
Tự mình quảng bá sản phẩm, bất cứ hội nghị, hội thảo nào ở địa phương mà có nhiều bà con nông dân tham dự, ông đều đem sản phẩm đến cho mọi người dùng thử và tranh thủ một chút thời gian để giới thiệu sản phẩm của mình. Và điều rất đáng mừng là mọi người đều tấm tắc khen sản phẩm của ông sau khi được dùng thử.
Năm 2012, sau khi đã hoàn tất sản phẩm này, ông phổ biến cho bà con sử dụng và đem sản phẩm của mình tham gia cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông” lần II của tỉnh. Một thức uống độc đáo, mới lạ đã khiến ban giám khảo khen ngợi, đem đến cho ông giải Nhất một cách xứng đáng.
Không chỉ với thanh long, ông cũng đã thử tiến hành lên men các loại trái cây khác như nho, khóm thơm(dứa)v.v và đạt được nhiều thành công ban đầu. Ông cho biết, vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu, đầu tư công sức và tiền bạc cho việc quảng bá sản phẩm, và cũng còn phải làm sao quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm. Vì làm thủ công, quy trình đơn giản, chưa được đầu tư bằng công nghệ cao máy móc thiết bị hiện đại, nên sản phẩm của ông vẫn còn nhiều mặt hạn chế như: mẫu mã chưa được đẹp, sản phẩm không dùng bất kỳ hóa chất bảo quản gì nên không để được lâu, thị trường chưa rộng… Vì vậy cho nên vãn còn phải nhiều nỗ lực và cố gắng.
Chia tay ông, sau vài hớp “rượu thanh long” (tôi gọi là như vậy, vì uống xong thấy như vừa uống một thứ rượu vang nhẹ) rất thơm ra về trong lòng còn phấn chấn, cái bắt tay thật chặt, tôi chúc ông tiếp tục đạt được nhiều thành công và ước nguyện của mình, và tôi cũng hứa với ông sẽ quảng bá sản phẩm và tên tuổi của ông đến mọi người mỗi khi có dịp.
“Một sự nghiên cứu trong âm thầm lặng lẽ. Đầy kiên nhẫn sẽ nảy sinh những công trình vĩ đại”. – đây là khẩu hiệu ông viết thêm và dán dưới tấm bằng khen của mình.