00:00 Số lượt truy cập: 3080307

Nước trên hệ thống sông toàn quốc đang cạn kiệt 

Được đăng : 03/11/2016
Do những biến đổi khí hậu bởi hiện tượng El Nino nên nhiều sông trên toàn quốc, đặc biệt là sông Hồng đang bị cạn kiệt nghiêm trọng.

Hạn hán nặng ở Điện Biên


Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, lượng nước ở nhiều sông, hồ trên toàn quốc đã  xuống mức thấp nhất trong lịch sử chuỗi quan trắc.

Ước tính của các cơ quan chuyên môn, riêng tổng lượng nước đổ về các hồ thủy điện từ sông Hồng so với năm 2009 hụt khoảng 2 tỷ m3 nước.

Tình hình hạn đang diễn ra ngày càng căng thẳng đang đặt ra nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, các địa phương cần cấp bách triển khai các giải pháp để tiết kiệm nguồn nước trước khi đại hạn kết thúc.

Lượng nước suy giảm nhanh

Tiến sỹ Nguyễn Lan Châu, phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết lưu lượng và mực nước sông Hồng tại hầu hết các vị trí đo đạc các sông nhánh và trên dòng chính từ thượng nguồn đến hạ du đều đã đạt những trị số thấp nhất trong lịch sử trong chuỗi số liệu quan trắc cùng kỳ của hơn 100 năm qua.

Do thiếu mưa và nguồn nước về suy giảm nên dòng chảy sông Hồng từ biên giới về các sông và hồ thủy điện của Việt Nam giảm nhanh từ cuối tháng 6/2009 và thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 35-65%.

Các số liệu quan trắc còn cho thấy từ tháng 11/2009 đến tháng 3/2010, mực nước hạ lưu sông Hồng liên tục đạt những trị số nhỏ nhất lịch sử của từng tháng. Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tình trạng khô hạn cũng không khả quan hơn, dòng chảy trên các sông trong khu vực cũng giảm dần từ đầu tháng 2 đến nay.

Tổng lượng dòng chảy trên phần lớn các sông của khu vực Trung Bộ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ, riêng hạ lưu các sông khu vực Bắc Trung Bộ đã ở mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc.

Cùng số phận với các sông ở Bắc Bộ và Trung Bộ, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khu vực Nam Bộ nắng nóng kéo dài, lượng mưa ít đã làm dòng chảy trên sông Mekong giảm nhanh và luôn ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ. Tại một số nơi vùng thượng nguồn, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong số liệu quan trắc.

Nguyên nhân đầu tiên của tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên sông Hồng được lý giải là do mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm, lượng mưa ở Bắc Bộ ít cộng với nắng nóng kéo dài. Ngay trong mùa lũ năm 2009 từ tháng 6-8 lượng mưa đã thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm nên đỉnh lũ các sông đều thấp hơn trung bình nhiều năm, có nơi hoàn toàn không có mưa.

Đặc biệt trong các tháng mùa khô đã xảy ra ba đợt nắng nóng khá bất thường tại các tỉnh miền Bắc, một số nơi nhiệt độ cao nhất trong chuỗi số liệu lịch sử quan trắc. Trong đó, khu vực Hoàng Liên Sơn có nhiệt độ trung bình các tháng đầu năm đều cao hơn trung bình nhiều năm từ 2-3 độ C.

Nhiệt độ không khí cao làm tăng lượng nước bốc hơi từ mặt đất, thảm thực vật, hồ ao làm tổn thất dòng chảy lớn, nhất là dòng chảy ngầm. Tại khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên cũng liên tục là nhiều ngày nắng nóng, nhất là ở khu vực các tỉnh miền đông Nam Bộ đã dẫn tới nguồn nước bị suy giảm nhanh.

Lượng nước ngầm suy giảm nhanh tại nhiều khu vực còn do nguyên nhân chất lượng rừng đầu nguồn bị suy giảm dẫn tới khả năng giữ nước của rừng không cao. Tại nhiều địa phương như Sơn La, Lai Châu, Lao Cai... tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng, rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng có khả năng giữ nước, sinh thủy đã giảm sút, làm mất đi khả năng điều tiết nước, giữ nước của lưu vực sông dẫn tới tình trạng khi có mưa, nước sông lên nhanh, khi không mưa, sông cạn nước.

Ngoài ra, việc khai thác sử dụng nguồn nước ngầm quá mức, đáy sông bị hạ thấp... cũng là nguyên nhân làm nguồn nước bị suy giảm nhanh. Theo kết quả kiểm tra của các cơ quan chuyên môn do nhu cầu sử dụng tài nguyên nước tăng, nên trong khoảng 10 năm gần đây mỗi năm nước ngầm ở Hà Nội đã giảm khoảng 1m.

Tại khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh nước ngầm cũng tụt giảm gần 1m mỗi năm do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức. Đặc biệt từ đầu năm 2010 đến nay, nắng nóng và khô hạn kéo dài cũng đã làm nước ngầm ở một số khu vực bị tụt xuống từ 0,4 đến 0,75 mét so với những tháng trước đây.

Các giải pháp ứng phó

Theo kiến nghị của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, để từng bước giảm nhẹ, khắc phục tình trạng cạn kiệt và thiếu nước trên lưu vực sông Hồng cần cấp bách thực hiện các giải pháp tăng cường giám sát nguồn nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam và giám sát việc khai thác, sử dụng nước, đặc biệt là ở hạ du các hồ chứa.

Trang bị thiết bị quan trắc mực nước tự động tại các trạm sát biên giới Trung Quốc như Mường Tè, Hà Giang, Lào Cai và hạ lưu sông Hồng tại Sơn Tây-Hà Nội đang quan trắc theo phương pháp thủ công và chịu tác động mạnh mẽ sự điều tiết từ nguồn nước ngoài biên giới.

Đặc biệt trong mùa cạn, biên dộ dao động mực nước trong ngày rất lớn, có khi gần 1-1,5 nên quan trắc theo phương pháp cũ sẽ không chính xác. Để đảm bảo nguồn nước sử dụng, trong đợt khô hạn này cần xây dựng lại cơ chế vận hành của các hồ chứa hợp lý, hài hòa giữa yêu cầu phát điện và các nhu cầu nước khác dưới hạ du, phù hợp với chế độ dòng chảy thượng nguồn và hạ du các hồ chứa.

Các địa phương cũng cần nhanh chóng triển khai việc tăng diện tích các loại rừng có khả năng giữ nước, sinh thủy trong mùa khô. Trước hết cần có chính sách ưu tiên, khuyến khích trồng các loại rừng có khả năng giữ nước trên các khu vực đầu nguồn.

Đối với thời kỳ cấp nước khẩn trương cho đổ ải, cần kết hợp lợi dụng thời kỳ triều cường kết hợp với việc tăng xả nước của các hồ chứa đảm bảo cho các công trình lấy được nước để tưới và tránh nước xả nhanh ra biển; thay đổi chế độ vận hành xả nước và tích nước của các hồ chứa như tích nước sớm hơn vào cuối mùa lũ...

Ngoài ra, tại các địa phương đang bị suy giảm nhanh nguồn nước ngầm cần sớm thực hiện các biện pháp bảo vệ và khôi phục nguồn nước ngầm bằng việc quản lý‎ chặt chẽ việc khai thác nhằm tăng nguồn cấp nước cho các sông trong mùa khô.

Nhiều giải pháp tiết kiệm nước và sử dụng nước hiệu quả hơn cũng được khuyến cáo ứng dụng như thay đổi cơ cấu sử dụng nước, thay đổi cơ cấu mùa vụ, nhất là cơ cấu cây trồng theo khí hậu phù hợp với khả năng cung cấp nước, sẽ giảm căng thẳng về nguồn nước mà vẫn cho hiệu quả cao.

Trong những năm qua, nhiều mô hình ở các tỉnh Trung Trung Bộ đã chuyển từ sản xuất ba vụ lúa hàng năm thành hai vụ lúa hoặc một lúa hai màu vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, đã tận dụng được tối đa hiệu quả nguồn nước mưa và giảm căng thẳng về cấp nước trong mùa khô.

Một giải pháp khác cũng được các chuyên gia đưa ra là che phủ đất bằng các giải pháp truyền thống dùng rơm rạ, cỏ khô… đối với cây trồng lâu năm như càphê, chè, cây ăn quả vừa có tác dụng giữ ẩm chống hạn, vừa bổ sung lượng mùn làm xốp đất, tốt cây.

Những năm gần đây, nhiều vùng đã sử dụng vật liệu mới để làm giảm bốc hơi như biện pháp che phủ nilông trên mặt luống khi gieo trồng lạc, dưa hấu, dâu tây, cà chua hoặc đưa vào đất các chất giữ ẩm mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, giảm nhỏ mức tưới ở những giai đoạn sinh trưởng của cây trồng không quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm cũng là một giải pháp tốt.

Đặc biệt gần đây nhất tại tỉnh Bạc Liêu đã ứng dụng thành công quy trình tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp. Mô hình này nếu được ứng dụng ở nhiều tỉnh thành sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định sản xuất, hạn chế được phần nào những khó khăn do thiếu nước bởi hạn hán và xâm nhập mặn.