Ở phường Mỹ Thạnh (TP. Long Xuyên), ai cũng biết mô hình nuôi ba ba của anh Phạm Đăng Thập (48 tuổi). Anh Thập quê ở Thanh Hóa. Năm 1999, anh vào Long Xuyên làm việc tại Công ty Du lịch An Giang. Cũng từ nghề này, anh có cơ hội đi nhiều nơi và học hỏi những mô hình hay của bà con nông dân, trong đó có nuôi ba ba. Sau đó, anh xin nghỉ việc, mạnh dạn mua 1ha đất ruộng, xây dựng chuồng trại kiên cố, rồi mua ba ba giống về thả nuôi. Ban đầu, anh cho ấp 60.000 trứng ba ba, sau 50 ngày ba ba bắt đầu nở. Để ba ba khỏe mạnh, anh ngâm vào trong nước có pha muối loãng. Anh Thập cho biết, để nuôi ba ba đạt hiệu quả, khâu quan trọng nhất là xây dựng chuồng, trại. Bởi ba ba là loại động vật lưỡng cư nên có thể đào hang đi bất cứ lúc nào nên phải xây tường kiên cố. Ba ba tương đối dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cá biển xay nhuyễn; mùa nước nổi thì cho ăn ốc bươu vàng hoặc cá linh, cám gạo... Theo anh Thập, để ba ba có chỗ phơi nắng vào buổi trưa, người nuôi có thể đóng tấm vạt tre hay thả bó chà xuống ao. Biện pháp này giúp ba ba có chỗ nghỉ và không tìm lối thoát ra ngoài. Các bệnh thường gặp ở ba ba là ghẻ lưng, nấm trắng..., những loại bệnh này có thể điều trị bằng kháng sinh. Sau 6 tháng thả nuôi anh Thập tách con đực và con cái ra nuôi riêng. Bởi lẽ, trong giai đoạn này, ba ba cái đẻ trứng nên chậm lớn. Cầm trên tay con ba ba nặng trên 1kg, anh Thập nhẩm tính: “Sau gần 2 năm nuôi chúng đạt trọng lượng 1-1,5kg, ngốn 12-14kg thức ăn. Nhưng bù lại giá ba ba dao động từ 150.000-280.000 đồng/kg, với giá này người nuôi sẽ thu lãi khá cao...”. Nuôi ba ba thịt hiệu quả, anh Thập tiếp tục đầu tư mua thêm 3ha đất mở rộng trang trại sản xuất ba ba thịt và ba ba giống. Trung bình mỗi đợt anh cung ứng cho thị trường trên 80 tấn ba ba thịt. Ông Nguyễn Văn Giấy ở xã Vĩnh Chánh (Thoại Sơn) dẫn chúng tôi ra xem cái ao rộng khoảng 5 công đất (1 công = 1.000m2). Những con ba ba đang ăn trong căn chòi nhỏ, con nào cũng nặng gần 1kg. ông Giấy đến với nghề nuôi ba ba thịt được 5 năm. Trước đây, ông chỉ canh tác lúa 2 vụ nhưng do lợi nhuận không cao nên chuyển sang đào ao nuôi ba ba. Năm đầu tiên thả nuôi 5.000 con giống, với giá 3.500 đồng/con, sau 16 tháng chăm sóc, ông xuất bán trên 4 tấn ba ba thịt, lời 150 triệu đồng. Hiện tại ông thả khoảng 6.000 con ba ba giống. Tận dụng thức ăn sẵn có như cá, tép, ốc bươu vàng, ông bỏ công đi đánh bắt để làm thức ăn cho ba ba. “Ba ba là loài vật dễ nuôi nhưng để chúng phát triển và sinh trưởng tốt, mỗi mét khối nước chỉ nên thả 5-6 con. Khi nuôi, phải thay nước thường xuyên để nguồn nước không bị ô nhiễm. Ba ba là loài sinh sản nhanh, trung bình mỗi năm đẻ 8 lần. Khi đẻ, trứng ba ba cần được ủ trong cát với nhiệt độ từ 28 – 32 độ C, khoảng 50-55 ngày, ba ba sẽ nở...”, ông Giấy cho biết. Tuy nhiên, hiện nay nghề nuôi ba ba ở An Giang chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, tự phát. Để nghề nuôi thật sự bền vững, mang lại hiệu quả, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, rất cần sự hỗ trợ vốn, tư vấn kỹ thuật của ngành chức năng. |