00:00 Số lượt truy cập: 3193321

Nuôi ba ba ở cù lao Cò 

Được đăng : 03/11/2016

Những năm gần đây, không ít nông dân vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long đã thành công với mô hình nuôi thủy sản mang lại nguồn lợi đáng kể. Điển hình như ông Lê Văn Năm, sinh năm 1951, ngụ tại tỉnh Bến Tre, với mô hình nuôi ba ba thương phẩm! Trại nuôi ba ba của ông Năm rộng gần 1 công đất nằm cặp dòng sông Ba Lai thơ mộng của vùng cù lao Cò, thuộc xã Long Hòa, huyện Bình Đại. Trại của ông Năm hiện có 3 cái ao nuôi cả chục nghìn con ba ba… Mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 600kg ba ba thương phẩm, thu lãi hơn 120 triệu đồng!


Có được cuộc sống sung túc, khá giả… nhưng ông không chịu ngồi yên hưởng thụ mà với ý nghĩ quyết tâm làm giàu… Năm 1991, ông khăn gói lên tận các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh… tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình nuôi ba ba và tìm hiểu cặn kẽ cách nuôi… rồi ông quyết định đem con ba ba về nuôi trên mảnh đất cù lao Cò! Lúc đầu, ông Năm bỏ ra 100 triệu đồng mua 10.000 con ba ba giống về thả nuôi trong 3 cái ao rộng gần 1.000m2. Sau gần 2 năm chăm sóc, ông tát ao thu hoạch chỉ được 200kg ba ba thịt lớn-nhỏ không đều nhau, bán giá 100.000đ/kg. Ông chỉ thu được 20 triệu đồng, lỗ vốn trăm triệu đồng! Năm 1993, ông Năm tiếp tục thả nuôi 4.000 con ba ba cỡ 500gram/con. Sau một năm chăm sóc, ông Năm thu hoạch có 300kg ba ba thương phẩm, bán được gần 40 triệu đồng, lỗ hàng chục triệu đồng nữa. Năm 1994, ông thả nuôi 2.000 con ba ba lứa và sau thu hoạch ông lại tiếp tục chịu lỗ cả chục triệu đồng… Không dừng lại, những vụ nuôi tiếp theo, ông Năm cũng đều bị thất bại. Có vụ nuôi may mắn lắm là không bị lỗ vốn… Nhiều lần thất bại phải “ngậm đắng-nuốt cay”, phải lầm lũi một mình, suy tư và quyết chí tìm ra đáp số của bài toán nan giải là: Vì sao ba ba nuôi bị hao hụt và lớn không đồng đều? Cuối cùng, ông đã rút được kinh nghiệm. Ông nói: “Năm 2004, trong lúc cho ba ba ăn, tôi tình cờ phát hiện nhiều con ba ba đực cứ đeo dính một con ba ba cái thành một chùm làm cho con ba ba cái bị trầy da-kiệt sức mà chết! Tôi đã bắt các chùm con ba ba lên lựa ra nuôi ba ba đực riêng một ao, con cái nuôi riêng một ao. Nhờ đó mà đàn ba ba của tôi tăng trưởng tốt, không còn bị chết nữa… Trong vụ nuôi này, gia đình tôi đã thu lãi được hơn 50 triệu đồng. Năm 2005, tôi thả nuôi tiếp 1.000 ba ba con. Sau 9 tháng chăm sóc, tôi cho tách bầy: ba ba đực nuôi riêng, ba ba cái nuôi riêng… Đến khi thu hoạch, tôi bán giá 240.000đ/kg và thu lãi ròng hơn 80 triệu đồng. Hai niên vụ nuôi liên tiếp gần đây (2006-2007), mỗi vụ tôi thả nuôi 1.000 con ba ba… Thu hoạch tổng cộng 1,2 tấn ba ba thương phẩm, bán giá 290.000đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư và công chăm sóc, gia đình tôi còn lời gần 250 triệu đồng!”…

Đã có cả chục thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thường xuyên liên hệ với ông Lê Văn Năm để mua ba ba thịt… Với đà phát triển thuận lợi, ông Năm đang cho đốn bỏ 1ha nhãn kém hiệu quả để đầu tư đào ao thành lập trang trại nuôi ba ba thịt và ba ba giống… cung cấp cho thị trường.