00:00 Số lượt truy cập: 3078293

Nuôi ''cá lóc công nghiệp'' ở Bình Thuận 

Được đăng : 03/11/2016
Khi nguồn cá lóc trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt do đánh bắt theo kiểu tận diệt thì người ta nghĩ ngay đến cách nuôi “công nghiệp”. Thời gian qua, người dân ở một số tỉnh miền Trung đã tìm tòi cách nuôi cá lóc trong bể xi măng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Một lần tình cờ “lướt nét”, anh Nguyễn Đức Ngọc - ngụ tại xã Phong Nẫm, TP. Phan Thiết (Bình Thuận) không thể bỏ qua bài viết về mô hình này. Thế rồi anh quyết định khăn gói ra tận Bình Định tìm gặp ông Ánh - người nuôi “cá lóc công nghiệp” rất thành công. Tuy đã gặp người thật việc thật, nhưng những kinh nghiệm được “bật mí” cũng chỉ là chung chung, vì có nuôi mới biết!

Đem những kinh nghiệm còn khá mơ hồ về Bình Thuận, anh Nguyễn Đức Ngọc mạnh dạn áp dụng mô hình trên miếng đất vườn nhà không rộng lắm. Biết “vạn sự khởi đầu nan”, anh chỉ tiến hành đầu tư 3 bể xi măng có diện tích 8 m2/hồ so với những người nuôi cá lóc ở Bình Định là 15 m2/hồ. Việc tìm kiếm nguồn cá giống cũng không hề đơn giản, phải lặn lội xuống tận miền Tây thì anh Ngọc mới chọn được những lứa cá vừa ý và qua đó đặt mối quan hệ làm ăn… Như dự báo ban đầu, hai lứa cá nuôi đầu tiên ở một nơi thiếu mưa thừa nắng đã không đem lại hiệu quả như mong muốn. Có lứa gặp thời tiết trở lạnh đột ngột, tỷ lệ cá lóc nuôi trong các bể xi măng bị hao hụt lên đến 70%. Không nản lòng, vốn có thiếu nhưng quyết tâm thì có thừa, nên anh Ngọc vẫn theo đuổi con cá lóc bởi thị trường tiêu thụ rất rộng lớn.

Từ lứa cá thứ ba trở đi, anh Nguyễn Đức Ngọc đã tích lũy được những kinh nghiệm riêng có mà trước đây dù có hỏi cũng chẳng ai… dại gì chỉ bày. Những con cá khỏe mạnh được chọn nuôi luôn “đạt chuẩn” cỡ 0,4 kg theo chu kỳ 4,5 tháng/vụ và được thương lái thu mua với giá trên dưới 35.000 đ/kg. Anh Ngọc chia sẻ kinh nghiệm về con nuôi khá mới mẻ ở Bình Thuận: Phải cho con lóc ăn cá biển tạp hoặc phế phẩm từ cá thì mới mau lớn, thịt mới chắc. Lúc nhỏ thì cho cá ăn 3 lần/ngày, từ 2 tháng trở đi giảm còn 2 lần/ngày, còn sau đó chỉ là 1 lần cho đến khi xuất bán… Ngoài ra cũng nhớ “xổ lải” cho cá và thay nước sau khi cho cá ăn xong để chủ động phòng tránh một số bệnh. Thường gặp nhất là các bệnh: Nhiễm khuẩn đường ruột, gan viêm mủ, nhiễm nấm, xuất huyết ngoài da…

Mô hình nuôi “cá lóc công nghiệp” nhìn chung dễ thực hiện vì vốn đầu tư không nhiều cũng như cần diện tích đất không quá lớn. Dù vậy để đem lại hiệu quả kinh tế cao thì người nuôi cần tìm hiểu kỹ mô hình và tích lũy kinh nghiệm từ thực tế. Đã có một vài trường hợp thấy “dễ ăn”, vậy mà khi bắt tay vào nuôi đã không thể vượt qua những trở ngại vì không có mối làm ăn. Nhưng một khi tạo dựng mối quan hệ và có kinh nghiệm sau nhiều lần… thất bại, thì mô hình nuôi “cá lóc công nghiệp” thu lại lợi nhuận cao hơn nhiều con nuôi khác. Nếu gặp thời tiết thuận lợi, có thể người nuôi bỏ vốn đầu tư một sẽ thu lại được hai, chỉ bán hơn tấn cá thương phẩm đã lãi khoảng 10 triệu đồng - anh Ngọc cho biết.

Phan Thiết và một số địa bàn lân cận là những điểm du lịch được khách du lịch khắp nơi chọn là nơi nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực. Ngoài hải sản thì những món ăn có xuất xứ từ đồng quê được du khách lẫn người dân địa phương rất ưa chuộng. Một chủ quán nhậu thực lòng: Chỉ tính ở Phan Thiết đã có hàng trăm quán đều có món cá lóc đồng quê trong thực đơn. Thế thì nguồn cá trong tự nhiên lấy đâu ra đáp ứng cho thực khách, do vậy hầu hết các quán đều sử dụng loại “cá lóc công nghiệp” mỗi khi khách gọi món. Tuy nhiên con lóc ở đây được nuôi bằng thức ăn từ cá biển nên thịt chắc, thơm ngon không khác con cá ở đồng là mấy. Và cũng chẳng ai thắc mắc về chuyện con cá lóc trên bàn ăn được bắt từ đồng hay nuôi trong hồ xi măng…