00:00 Số lượt truy cập: 3042175

Nuôi cá tra và ba sa: Quy hoạch để nông dân không 

Được đăng : 03/11/2016
Cá tra, cá ba sa đang tăng giá lên đến gần 18 nghìn đồng/kg, nhưng nhiều hộ nuôi cá vẫn không mặn mà, bởi giá có tăng mà người nuôi cá vẫn chưa có lãi.

Theo tính toán của hộ nuôi cá, mức giá thành sản xuất cá tra là 16.650 đồng/kg (đã phải chi phí cho 12 khoản, gồm: giống, thức ăn, chăm sóc, thuốc phòng bệnh, lãi suất ngân hàng...), chưa nói 3 tháng qua (từ tháng 6 đến tháng 9), giá thức ăn của cá tăng gấp 3 lần, nên sau thời gian rớt giá, thị trường có nhích lên tí chút thì người chăn nuôi vẫn chưa bù đắp được.

Hiện nay nước ta đã mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra, cá ba sa đến hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, từ đầu năm tới nay mặc dù có thời gian xuất khẩu gặp khó khăn song kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản 8 tháng đầu năm ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 33% so cùng kỳ năm trước, trong đó mặt hàng thủy sản đạt 2,9 tỷ USD (tăng 22%). Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) riêng tháng 7 hàng thủy sản xuất khẩu sang thị trường Nga đạt 38 triệu USD, là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn sau EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc.

Hộ nuôi cá gặp nhiều rủi ro

Theo phân tích chuỗi giá trị cá và phát triển bền vững thủy sản vùng Mê Kông của Viện Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, về giá trị cá tra, thì công ty chế biến là có lợi nhuận cao nhất (2.150 đồng/kg), tiếp đến là nông dân (1.900 đồng), theo đó là người bán lẻ, nhưng nông dân là người trực tiếp sản xuất vẫn chịu nhiều rủi ro. Do giá cá tra nhiều thời điểm tăng nên người nông dân đã vay vốn đổ xô nuôi cá tràn lan với hy vọng sẽ lãi lớn như mùa cá năm trước, hậu quả dẫn đến tình trạng cá tra bị giảm giá, nhiều hộ, cá đã quá lứa dù giảm giá những vẫn khó bán. Tình trạng dư thừa cá đã gây áp lực lớn cho thị trường và doanh nghiệp (DN) chế biến. Cá không bán được, không có tiền trả tín dụng... đã tạo ra “cú sốc” đối với ngân hàng và người nuôi cá, dẫn đến một số hộ đã lỗ hàng tỷ đồng, do vốn vay ngân hàng đến hạn trả trong khi đó cá không bán được phải chịu “lãi mẹ đẻ lãi con”. Chính từ đợt “khủng hoảng thừa” này vừa qua đã có 40% số hộ để trống ao không nuôi. Hệ quả là nhiều DN thiếu nguyên liệu ngay từ đầu tháng 9-2008 và còn khả năng kéo dài cho tới đầu năm 2009.

Để hộ nuôi cá ổn định bền vững

Cần sự liên kết giữa hộ nuôi cá, DN và ngân hàng, để phát triển mạnh mô hình nuôi cá gắn kết với nhau để phát triển nuôi cá ngay từ “đầu vào” và đảm bảo “đầu ra” tạo cơ sở cho ngân hàng mạnh tay đầu tư vốn. Thay vì trước đây cho nông dân vay vốn nuôi cá, ngân hàng sẽ chuyển vốn cho DN vay để DN hỗ trợ người nuôi cá bằng cách cung ứng con giống, thức ăn và kỹ thuật chăn nuôi... theo hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy người nuôi cá có ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với DN, các bên mới có sự ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, tránh tình trạng thua lỗ như trong đợt thừa cá vừa qua hoặc nuôi tự phát thiếu quy hoạch cung vượt cầu, đã dẫn đến rớt giá.

Theo Chủ tịch VASEP, giải pháp chủ động nguồn nguyên liệu sẽ được các DN và VASEP áp dụng từ quý IV-2008, tuy nhiên vẫn lo ngại sẽ diễn ra tình trạng thừa cá do hiện nay giá cá tra có xu hướng tăng cao, có thể khiến một bộ phận hộ nuôi cá vẫn tiếp tục đầu tư mạnh để “gỡ gạc”.

Mặc dù hiện nay chưa có quy hoạch vùng nuôi cá hoàn chỉnh, nhưng vẫn có thể áp dụng quy định về điều kiện nuôi do Bộ NN và PTNT ban hành, với điều kiện chính quyền sở tại quyết liệt thực hiện quy định vận động nông dân chấp hành thì cơ sở vẫn có thể ngăn chặn được tình trạng nuôi cá tự phát tràn lan gây thua thiệt. Mặt khác cần phải quy định điều kiện thành lập các nhà máy chế biến tránh tình trạng có quá nhiều nhà máy phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh. Mới đây VASEP đã kiểm tra các điều kiện chế biến của một số nhà máy để công nhận đủ điều kiện chế biến xuất khẩu. Tới đây VASEP sẽ điều hành xuất khẩu bằng cách phân công mỗi DN giữ vai trò trưởng nhóm thị trường mà họ có thế mạnh. Trưởng nhóm có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về giá xuất khẩu để các DN tham khảo ký hợp đồng, hạn chế tình trạng bán phá giá cá tra gây thiệt hại cho hộ nuôi cá. Mặt khác các DN cần chủ động tiếp cận và ký hợp đồng với người nuôi trong vùng quy hoạch đáp ứng điều kiện nuôi của Bộ NN-PTNT quy định, có như vậy người nuôi cá theo hợp đồng sẽ được đảm bảo ổn định đầu ra và chắc chắn sẽ có lãi, doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu đáp ứng xuất khẩu và ngân hàng kinh doanh đạt hiệu quả.