00:00 Số lượt truy cập: 2670069

Nuôi cá xen ghép, lợi nhuận tăng 2-3 lần 

Được đăng : 03/11/2016

Sau 7 tháng nuôi cá rô phi đơn tính kết hợp cá truyền thống, các hộ ND ở huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đã thu lợi nhuận từ 50-80 triệu đồng/hộ.


Dự án “Phát triển nuôi các đối tượng cá truyền thống và nuôi cá hồ chứa” do Trung tâm Hỗ trợ nông dân, nông thôn (T.Ư Hội NDVN) phối hợp với Hội ND Hà Tĩnh triển khai tại 5 hộ ở 2 xã Ích Hậu và Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà với diện tích 1,8ha.

Thu hoạch cá ở gia đình ông Phan Bá Đạo, xã Ích Hậu.

Cán bộ kỹ thuật theo sát nông dân

Nuôi thủy sản là một trong những thế mạnh của Hà Tĩnh. Tuy nhiên những năm gần đây, nuôi thủy sản có bước trầm lắng, đặc biệt là nuôi cá nước ngọt. Vì vậy khi được hỗ trợ con giống, kỹ thuật nuôi và một phần chi phí thức ăn, nhiều hộ đã có điều kiện đầu tư mở rộng ao nuôi. Ông Trần Đình Nghi ở xóm 10, xã Thạch Mỹ, chia sẻ: "Gia đình tôi có thâm niên gần 20 năm nuôi cá nước ngọt, nhưng trước đây do nuôi theo lối truyền thống, cá thường bị dịch bệnh. Tham gia mô hình nuôi cá của Hội, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều".

Cũng như hộ ông Nghi, 4 hộ ở xã Ích Hậu sau khi tham gia mô hình đã biết kỹ thuật, quy trình nuôi cá hiệu quả. Anh Nguyễn Đức Cát ở thôn Lương Trung, xã Ích Hậu cho biết: "Trước khi thả cá, gia đình tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn xử lý ao như bơm cạn hồ, đổ vôi bột để xử lý môi trường, phơi khô hồ sau đó rải lớp phân chuồng để tạo độ mùn rồi mới dẫn nước vào hồ. Trong quá trình nuôi, cán bộ kỹ thuật kiểm soát chặt chẽ chế độ thức ăn và thời gian cho cá ăn.

Lợi nhuận cao

Với diện tích 0,7ha ao hồ ở khu vực đồng Đập Cầu, xã Thạch Mỹ, ông Nghi được hỗ trợ 80kg cá rô phi đơn tính và các loại cá truyền thống khác để thả nuôi. Trong đó tỷ lệ cá rô phi đơn tính chiếm 70%, còn mè, trôi, trắm cỏ mỗi loại 10%.

“Các hộ tham gia mô hình được T.Ư Hội hỗ trợ 100% tiền mua giống, chi phí tập huấn kỹ thuật, 30% chi phí thức ăn và thuốc phòng bệnh cho cá. Hội ND Hà Tĩnh liên hệ với Sở NNPTNT cử cán bộ xuống hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá”.

"Ngoài thức ăn cho cá được hỗ trợ, tôi còn trồng thêm rau muống và mỗi tháng một lần xuống cảng Thạch Kim đặt mua bột cá xay về làm đa dạng thêm thức ăn cho cá. Vì vậy sau gần 7 tháng nuôi, cá của gia đình tôi lớn nhanh, đồng đều và có thể xuất ra thị trường.

Riêng cá rô phi đơn tính do không sinh sản nên tốc độ phát triển rất nhanh, từ 0,6-0,8kg/con (vượt 0,1-0,3kg/con so với yêu cầu đưa ra), còn loại cá mè, trôi, trắm mỗi con đạt từ 1-1,3kg. Với mật độ và trọng lượng này, sản lượng cá của gia đình tôi đạt 10 tấn. Trừ chi phí thức ăn lãi ròng trên 80 triệu đồng"- ông Nghi quả quyết.

Ông Phan Bá Đạo ở thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu được chọn thực hiện mô hình, cho biết: "Cùng một diện tích mặt nước, mô hình nuôi kết hợp cá rô phi đơn tính với các loại cá truyền thống đã nâng cao giá trị kinh tế cho các hộ gấp 2-3 lần so với phương pháp nuôi trước đây. Nếu có đầu ra ổn định thì người nuôi lãi to".

Ông Lưu Quang Cần - Phó Chi cục Nuôi trồng thủy sản Hà Tĩnh cho biết: Qua nghiệm thu cho thấy cá phát triển rất tốt, hiệu quả cao, Hội ND cần tập huấn và nhân rộng mô hình này; đồng thời phối hợp với các ngành và doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm để nghề nuôi cá phát triển bền vững...".