00:00 Số lượt truy cập: 3081596

Nuôi chim yến khống chế côn trùng gây hại 

Được đăng : 03/11/2016
TS. Lê Võ Định Tường (Viện công nghệ hóa học) nghiên cứu quy trình nuôi chim yến trong nhà phục vụ khống chế dịch hại mùa màng do côn trùng, đồng thời xuất khẩu tổ yến. Một ý tưởng mới đáp ứng hai mục đích.

TS. Lê Võ Định Tường cho biết, chim yến hàng là loài chim ăn côn trùng sống ở Đông Nam Á. Chúng làm tổ bằng nước bọt, tổ yến hiện có giá trị kinh tế rất cao (2.500 - 5.000 đô la Mỹ/kg). Loài chim này săn bắt nhiều loài chân khớp có hại trong các bộ Thysanoptera, Isoptera, Hemiptera, Hymenoptera, Hemoptera… đặc biệt là rầy nâu, tác nhân gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa. Mục đích của nghiên cứu là dùng chim ăn côn trùng gắn với phát triển công nghiệp nuôi chim yến. Chim yến săn bắt côn trùng bay trong không khí, hàng ngày chim yến bay đi ăn từ sáng sớm đến chiều tối. Nhiều con bay rất xa, có khi cách tổ đến 200 km. Trong quá trình bay, chúng hầu như không đậu nghỉ chân. Phân tích thức ăn trong dạ dày chim yến, kết quả chỉ thấy chủ yếu là côn trùng họ cánh màng (kiến cánh), hai cánh Diptera (ruồi, muỗi…), rầy nâu gây bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, rầy xanh đuôi đen một thời gây nên dịch hại trên lúa (là môi giới truyền bệnh tungo, vàng lụi), cánh cứng nhỏ, mối, nhện nhỏ… Chim non trong dạ dày có chứa 50% thức ăn là bọ rầy nâu, rầy xanh đuôi đen. Mùa mưa tỷ lệ mối trong dạ dày có khi đến 100%.

Từ kết quả phân tích trên, theo TS. Tường, có thể coi chim yến hàng là loài chim có thể dùng để đấu tranh sinh học với nhiều loài côn trùng gây hại. Số lượng đàn chim yến ở Việt Nam ước khoảng 750.000 con, ở Indonesia có 45 triệu con do ngành công nghiệp nuôi yến phát triển mạnh. Với số lượng này, hàng ngày chúng cần mẫn lùng sục, săn bắt côn trùng, người ta ước đoán chúng tiêu diệt khoảng 3.000 tấn sâu bệnh hàng ngày. Vận dụng kinh nghiệm trong và ngoài nước, TS. Tường đã xây dựng thành công quy trình nuôi chim yến; xây dựng được các mẫu nhà nuôi chim yến mới, đảm bảo các điều kiện sinh học, hóa học, khí học, vật lý; cùng với các trang thiết bị điều khiển, bảo vệ hầu như hoàn toàn tự động đảm bảo cho chim yến đến ở và làm tổ. Ngoài ra phải biết cách “dụ” chim yến vào làm tổ trong nhà, biết cách thu hoạch tổ hợp lý, kết hợp giải quyết tiêu diệt côn trùng gây hại. Hiện TS. Tường cũng đã xây dựng thành công quy trình sản xuất thức ăn công nghiệp cho chim yến từ các phế thải của nhà máy chế biến thực phẩm. Đồng thời nghiên cứu trồng một số thực vật có mùi hấp dẫn côn trùng để làm thức ăn cho chim yến.