Được sự hỗ trợ kinh phí của huyện, Bình Đông đã thực hiện 2ha nuôi cua thâm canh thương phẩm tại 3 vùng nuôi khác nhau để so sánh. Qua theo dõi thấy sau khoảng 3 tháng thả nuôi, cua thương phẩm đạt trọng lượng 250 - 300g/con, chắc thịt và nhiều gạch. Năng suất trung bình 1,7 tấn/ha, giá bán 70.000 đồng/kg, tổng thu 120 triệu đồng/ha, lãi 71 triệu đồng/ha. Ông Nguyễn Thế Bồng ở thôn Thượng Hoà, nông dân tham gia mô hình phấn khởi nói: “Được sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi thả nuôi 2.000 con cua giống. Khi thu hoạch, sản lượng đạt 250kg, với giá bán 70.000 đồng/kg, tôi thu về 17 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 14 triệu đồng”. Anh Nguyễn Trung Thông, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bình Đông cho biết: “Cua là đối tượng nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, quy trình nuôi dễ áp dụng nên cần được nhân rộng. Năm tới chúng tôi sẽ khuyến cáo bà con thực hiện trên toàn bộ diện tích nuôi tôm bị bệnh”. Ông Phù Trung Anh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bình Sơn nhấn mạnh: “Hàng năm nông dân trong huyện nuôi 146ha tôm, nhưng phần lớn diện tích này đã bị nhiễm bệnh. Vì vậy, mô hình nuôi cua đã mở ra hướng đi mới, là giải pháp hữu hiệu cho những vùng tôm nhiễm bệnh. Tuy nhiên, người nuôi phải chú trọng về nguồn gốc con giống và thực hiện nghiêm ngặt theo quy trình nuôi đã được khuyến cáo”. Hầu hết các hộ dân tham gia dự án đều cho rằng, mô hình nuôi cua đã giúp tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân. Mở rộng diện tích nuôi cua thương phẩm và nuôi xen canh, luân canh dần thay thế việc nuôi tôm kém hiệu quả có thể là hướng làm kinh tế mới cho các địa phương ven biển. |