Cách đây 10 năm, ông Trần Giáp Thìn ở ấp Miễu, xã Phước Tân (TP. Biên Hòa - Đồng Nai), đã thoát nghèo và giàu lên nhờ nghề chăn nuôi dê. 5 năm trở lại đây, những đồng cỏ tự nhiên ở địa phương bị thu hẹp, đàn dê của ông trên 300 con cũng giảm dần. Ông Thìn đã quyết định chuyển hướng làm ăn bằng cách nuôi dê theo mô hình liên kết với các hộ nông dân để đôi bên cùng có lợi.
* Liên kết cùng có lợi
Theo đó, ông Thìn cung cấp vốn, con giống, chuyển giao công nghệ và tiêu thụ sản phẩm. Còn các hộ nông dân được ký hợp đồng phải có từ 1 - 2 hécta đất trở lên và chịu khó làm ăn. Mô hình liên kết theo 2 cách: Thứ nhất, ông Thìn cung cấp dê giống, mỗi hộ trung bình từ 5 - 10 con dê cái và 1 dê đực. Khi số dê này sinh lứa đầu tiên thì 1/2 dê con thuộc về ông; từ lứa thứ 2 trở đi thì 100% số dê thuộc về hộ nông dân và họ phải cam kết bán số dê này cho ông. Thứ hai, ông Thìn bán dê giống cho nông dân nợ theo giá thị trường. Khi dê lớn lên thì bán cho ông theo giá thị trường để trừ nợ.
Với cách làm ăn sòng phẳng, không ép giá và ứng tiền giúp những gia đình gặp khó khăn nên đến nay đã có 30 hộ nông dân hợp tác làm ăn cùng ông với tổng số đàn dê lên đến hơn 2.000 con. Nhiều hộ nông dân đã khá giả lên nhờ nuôi dê, trung bình mỗi hộ nuôi từ 70 - 100 con với thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm. Trường hợp của bà Nguyễn Thị Hạnh, thuộc diện xóa đói giảm nghèo ở xã Phước Tân, đã thoát khỏi cảnh “thiếu trước hụt sau” nhờ nuôi dê. Từ 2 con dê cái, 1 con dê đực do ông Thìn bán rẻ và bán thiếu; sau 3 năm, đàn dê của bà đã có 9 con, trong đó có 6 con dê cái. Đầu năm đến nay, bà Hạnh bán được hơn 10 con dê thịt thu về khoảng 15 triệu đồng.
Theo ông Thìn, dê là loài vật dễ nuôi, ít bệnh, ăn cỏ, lá cây và đầu tư ban đầu ít tốn kém. Dê sinh sản rất nhanh: 6 tháng thì dê cái sinh, mỗi lần sinh từ 1 - 3 con; trung bình 1 con cái có thể sinh từ 17 - 20 lứa (tùy điều kiện chăm sóc). Dê con nuôi 4 tháng đã có thể bán lấy thịt.
* Chủ động về đầu ra
Ngoài kinh nghiệm trong chăn nuôi, thế mạnh của ông Thìn là tìm được nguồn cầu dồi dào. Trong đó, ngoài cung cấp sỉ cho các quán ăn, ông còn phát triển bán lẻ thịt dê; đây cũng là bứt phá trong làm ăn của ông. Ông Thìn nói, thịt dê là một đặc sản; nhưng bị “tiếng oan” là hôi. Với thịt dê non khoảng 4 tháng, chưa phát dục, thịt rất ngon. Dê non khi chế biến không hôi và không phải đánh đập dê như người ta vẫn truyền tai nhau.
Từ ý tưởng “minh oan” cho thịt dê nên ông đã mày mò học hỏi cách chế biến món thịt dê từ những đầu bếp chuyên nghiệp, không phải để mở quán ăn, mà để tư vấn cho khách hàng. Nhiều người nghe ông hướng dẫn đã biết cách chế biến và trở thành khách hàng thường xuyên của ông.
Được biết, mỗi ngày ông chỉ bỏ sỉ từ 10 - 12 con dê; nhưng bán lẻ có ngày lên đến cả chục con; riêng ngày lễ, tết lên đến 20 con. “Bán thịt dê tại nhà theo giá bỏ mối vẫn có lời vì đỡ chi phí vận chuyển. Khách hàng thì được ăn dê thật 100% vừa ngon, bổ, rẻ”. Chính vì vậy, ngay cả khi thịt dê bị rớt giá do nông dân nuôi nhiều, bán ồ ạt, thì những hộ nông dân hợp tác với ông đều được mua với giá cao và được ứng tiền để đầu tư duy trì hoạt động chăn nuôi. Vào thời điểm dịch heo tai xanh như hiện nay, thịt dê trở nên đắt hàng và có giá cao, người nuôi cũng khấm khá hơn. Với cách làm ăn như trên, hàng năm, ông Thìn thu về trên 300 triệu đồng.