Nhận thấy nhu cầu về một số loại con đặc sản như: lợn rừng, lợn đen bản địa trên địa bàn tăng cao, chị Nguyễn Thị Thu ở xã Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai) quyết định chuyển hướng sang mô hình này.
Năm 2011, chị Thu thuê 7ha đất, đầu tư hàng trăm triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi con đặc sản. Khu đất có vị trí đắc địa, dựa lưng vào rừng, chị bố trí xây dựng khu chuồng nuôi khoa học, đa dạng. Khu cao ráo, chị dành để nuôi lợn rừng; khu thấp hơn xây thành từng sân nhỏ nuôi lợn đen bản địa; tiếp đến là chuồng nuôi dúi. Vừa thả nuôi, chị vừa học hỏi kỹ thuật phòng trị bệnh cho gia súc, kiến thức quản lý trang trại chăn nuôi, nhất là đối với nuôi động vật hoang dã thông thường tại các cơ quan chuyên môn.
Hiện, trang trại của chị giải quyết việc làm cho 4 - 5 lao động với mức thu nhập 3-4 triệu đồng/người/tháng, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại TP.Lào Cai. Để giảm chi phí chăn nuôi, chị sử dụng sản phẩm nông sản tại địa phương làm thức ăn cho gia súc; theo dõi, phát hiện phòng trị bệnh kịp thời; áp dụng đúng kỹ thuật nên đàn gia súc ít xảy ra bệnh dịch. Ai đến tham quan học tập cũng thán phục vì khu chuồng nuôi luôn sạch đẹp, vật nuôi khoẻ mạnh.
Chị Thu khẳng định, đây là hướng đi bền vững bởi thị trường tiêu thụ các loại động vật hoang dã thông thường ngày càng mở rộng. Cơ sở chăn nuôi của chị được nhiều hội viên Hội Làm vườn, nông dân trong vùng đến tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Ước mong của chị là cơ quan chức năng quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, mặt bằng, kỹ thuật để từng bước mở rộng mô hình.
Nguyễn Tiến Khoát