Nhằm góp phần phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đồng thời hạn chế dịch bệnh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năm 2008, Trạm Khuyến nông Yên Bình đã triển khai thực hiện Dự án chăn nuôi gà bán công nghiệp tại xã Văn Lãng (Yên Bình- Yên Bái). Từ mô hình này, ở Văn Lãng đã có hàng chục hộ thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Mô hình nuôi gà bán công nghiệp của gia đình ông Nguyễn Duy Nghĩa cho thu nhập mỗi năm vài chục triệu đồng. |
Theo lời giới thiệu của chị Trần Thu Hà, cán bộ khuyến nông xã, chúng tôi tìm đến gia đình ông Ngô Văn Hải, thôn 6, một trong những hộ nuôi gà bán công nghiệp với quy mô lớn nhất Văn Lãng.
Dẫn chúng tôi đi thăm trại gà, ông Hải cho biết: “So với chăn nuôi truyền thống thì nuôi gà theo mô hình bán công nghiệp đòi hỏi phải tuân thủ một cách khắt khe các yêu cầu về kỹ thuật từ vệ sinh, cho ăn, uống nước đến tiêm phòng. Ví dụ giai đoạn gà nhỏ đến 7 ngày tuổi trở đi phải nhỏ thuốc và kết hợp tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo đúng quy trình. Thức ăn phải đảm bảo, điều chỉnh nhiệt độ trong chuồng nuôi luôi phải phù hợp với tuổi của gà, điều kiện môi trường phải sạch sẽ, thoáng mát thì gà mới không bị mắc bệnh và nhanh lớn”.
Được biết, với cách làm như vậy nên đàn gà của ông Hải rất nhanh lớn và đặc biệt là ít mắc dịch bệnh. Từ quy mô 1.000 con/lứa, giờ đây trại gà của ông Hải đã mở rộng với số lượng trên 2.000 con/lứa, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Cũng tham gia mô hình nuôi gà bán công nghiệp, với xuất phát điểm là một hộ thuộc diện khó khăn, đến nay, gia đình ông Nguyễn Duy Nghĩa, thôn 6 đã mở rộng trại gà của mình lên tới 1.500 con/lứa. Ông Nghĩa cho biết: “Nuôi gà bán công nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi tự nhiên, chỉ sau 2 tháng trọng lượng của gà đạt từ 2-2,2kg, với giá thịt hiện nay là 80 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình tôi vẫn thu về hàng chục triệu đồng/lứa”.
Theo chị Hà, ngoài việc được hỗ trợ 10 triệu đồng/trang trại quy mô 1.000 con, các hộ tham gia mô hình còn được Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, theo dõi phòng trừ dịch bệnh; tư vấn cho các hộ dân xử lý những phát sinh tại cơ sở theo đúng kỹ thuật; kiểm tra công tác chuẩn bị chuồng trại, tẩy uế chuồng, các dụng cụ chăn nuôi, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với việc đảm bảo “3 sạch” trong chuồng trại.
Được biết, từ khi triển khai thực hiện mô hình nuôi gà bán công nghiệp đến nay, Văn Lãng đã có tới 8 mô hình nuôi gà hàng hóa với quy mô từ 1.000 con trở lên. Ngoài ra, còn có hàng chục hộ nuôi với quy mô nhỏ và vừa từ vài chục đến vài trăm con. Từ đây, nhiều hộ gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Điều đáng mừng là bên cạnh hiệu quả về kinh tế, nhận thức của người dân về chăn nuôi đã có thay đổi.
Chị Trần Thị Tuyết, ở thôn 7, cho biết: “Trước kia nuôi nhỏ lẻ chẳng bao giờ mình nghĩ đến việc tiêm phòng, từ khi chuyển sang nuôi theo hình thức bán công nghiệp thì mình phải chủ động tiêm phòng cho đàn gà mỗi khi có dịch bệnh hoặc khi nhập con giống, vừa đảm bảo cho đàn gia cầm của gia đình vừa tránh lây lan dịch bệnh”.
Nuôi gà theo mô hình bán công nghiệp thực sự mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro từ dịch bệnh. Do vậy, để chăn nuôi nói chung và nuôi gà ở Văn Lãng nói riêng phát triển ổn định, mỗi người dân cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề phòng chống dịch bệnh, đồng thời không ngừng học hỏi, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.