00:00 Số lượt truy cập: 2637698

Nuôi gà rừng thả vườn 

Được đăng : 03/11/2016

Hỏi: Tôi có dịp đến Khánh Hòa, được ăn món gà rừng rất ngon và giá cũng cao gấp 3 lần gà ta thông thường. Tôi có hỏi chủ quán về nguồn gốc thì được biết tại Khánh Hòa hiện đã có nông dân thuần dưỡng và nuôi thành công gà rừng, được thị trường rất ưa chuộng. Xin Ban Biên tập cho chúng tôi biết rõ hơn về thông tin này và kỹ thuật nuôi?

Trần Hữu Tài (Định Quán, Đồng Nai).


Đáp:

Chào bạn! Đúng như những thông tin mà bạn đã cung cấp, hiện tại Khánh Hòa có nông dân Lê Toái ở thôn Xuân Ninh, xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa đã thuần dưỡng và nuôi thành công gà rừng. Giải pháp sáng tạo này của ông đã đoạt giải khuyến khích tại Cuộc thi sáng tạo khoa kỹ thuật của tỉnh và tham dự Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông năm 2013 do Trung ương Hội NDVN tổ chức. Xin giới thiệu Kỹ thuật thuần dưỡng nuôi và chăm sóc gà rừng thả vườn của ông Lê Toái để bạn và bà con tham khảo:

Gà rừng rất nhút nhát, mặc dù đã được thuần dưỡng nhưng bản tính này của chúng không hề thay đổi, vì vậy cần chú trọng đến khâu chăm sóc nhằm giúp cho đàn gà dần thích nghi với con người và dễ thuần dưỡng.

Gà rừng rất khó nuôi và rất khó sinh sản, vì thế chúng ta nên nuôi gà rừng đã thuần chủng từ đó nhân rộng thêm. Mỗi năm gà mái chỉ đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 8-10 trứng nên khó nhân giống, tuy nhiên để có thể tự sản xuất con giống, cần chăm sóc kỹ và kiểm tra nhiệt độ khi gà ấp trứng. Ổ đẻ cho gà đẻ được lót bằng rơm hoặc trấu, nhằm tránh cho gà đẻ và ấp tự nhiên làm cho trứng dễ hư hỏng, không đạt hiệu quả.

* Làm chuồng trại

Bản chất gà rừng là luôn ngủ trên cây cao, vì thế việc làm chuồng trại ít tốn kém, chỉ cần rào lưới xung quanh vườn và cần thiết phải giăng lưới trên mặt để gà không bay ra. Nên chọn khu vườn có nhiều bụi cây thấp vừa rào để phủ được xung quanh, trên ngọn cây và ít tốn kém.

* Phương thức nuôi

Tùy điều kiện của mỗi người, tùy giai đoạn và nguồn gốc của con gà mà có thể có cách nuôi khác nhau. Có thể thả rông nếu vườn rộng hoặc nhốt chuồng nếu diện tích hẹp.

- Thả rông: Khi gà con khoảng 4 tuần tuổi thì mới nên thả rông, còn gà trống và gà mái thì thả rông thoải mái, cho chúng kiếm ăn từ những khu vườn, đồi núi thấp hoặc dưới những tán rừng nơi có nhiều cỏ dại (khi đã thuần dưỡng được thì chúng đã có thói quen nên không phải lo lắng việc chúng bỏ đi hết vào rừng), như thế gà mới đủ chất, thịt thơm ngon và bộ lông mới đẹp được.

Không nên thả những chú chó, mèo ra vì như thế gà sẽ rất nhát dẫn đến bị sụt giảm thể lực, bị thương hoặc gãy lông. Không được rượt đuổi gà, ném cây, chọi đá vì gà rừng rất khó tập cho dạn nhưng rất dễ bị làm cho nhát người.

- Nuôi nhốt: Nên tạo, đặt chuồng gà ở nơi thoáng đãng nhưng tránh gió bấc, nơi gà ở nên là nơi cao ráo, nên làm nền bằng cát vì gà rừng thích bới tìm thức ăn.

Tùy theo số lượng, kích cỡ, giới tính mà ta có thể làm chuồng khác nhau nhưng càng rộng thì càng tốt, riêng đối với gà rừng mới bẫy được thì nên nhốt ở chuồng càng chật càng tốt, đặt chuồng ở nơi vắng người và phải bọc vải quanh chuồng để tránh cho gà bị thương khi tông vào chuồng.

* Thức ăn

Ngày đầu tiên chỉ cho gà ăn tấm hoặc ngô nghiền nhuyễn. Từ ngày thứ hai trở đi cho gà ăn bằng thức ăn công nghiệp, loại cám hỗn hợp hoặc cám viên dùng cho gà con, tỷ lệ protein thô từ 19-21% và năng lượng 2800-2900 kcal. Cho gà ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần một ít để thức ăn luôn được mới, thơm ngon, kích thích tính thèm ăn của gà. Có thể sử dụng thức ăn đậm đặc hoặc thức ăn hỗn hợp trộn với thức ăn địa phương cho gà ăn. Cho thức ăn vào mẹt, khay tôn, khay nhựa cao 3-5cm hoặc máng bằng tre, luồng để cho gà ăn.

Đối với gà nuôi thả vườn nhà thì: gà con cho ăn tấm gạo, cám, rau xanh băm nhỏ, ít mồi tươi băm nhỏ (nếu có thời gian rảnh nên đào mối cho gà con ăn, vì thức ăn tự nhiên này giúp gà con mau lớn và chống lại các dịch bệnh ở gà). Gà từ 3 tháng tuổi trở lên ta có thể cho ăn thêm gạo lứt và lúa, mồi tươi thì không cần băm nhỏ nữa.

Đặc biệt lưu ý gà mái đi đẻ và gà trống lúc thay lông. Khi thấy mặt gà mái bắt đầu đỏ tươi cần bổ sung canxi cho gà bằng cách giã nát vỏ trứng, xay nhuyễn vỏ sò, ốc trộn vào thức ăn cho gà mái ăn, cho thêm mồi tươi như cá biển, như thế gà con nở ra mới thêm phần khỏe mạnh và gà mái không mất sức. Lúc gà mái ấp, người nuôi cũng nên quan tâm cho ăn đầy đủ để gà mái không bị suy, như thế mới giữ mái lâu bền.

Đối với gà trống, lúc thay lông nên cho gà ăn thật nhiều mồi tươi vì lúc này gò trống rất mất sức, thức ăn tốt nhất là thịt heo mỡ nhiều nạc ít, mỗi ngày cho ăn 3 miếng bằng ngón tay út. Không nên cho gà ăn nhiều, không tốt cho hệ tiêu hóa của nó. Không nên cho gà ăn thức ăn có nhiều bột mỳ hoặc cám tổng hợp vì gà sẽ rất giòn lông, dễ gãy.

* Nước uống

Nhận gà về cho gà nghỉ 10-15 phút rồi cho uống nước có pha 50gr đường glucoza với 1gr Vitamin C/3 lít nước để chống stress cho gà. Chỉ cho gà ăn sau khi đã được uống nước.

Nước uống phải sạch và ấm ở nhiệt độ 16-20oC. Sử dụng máng uống bằng hộp nhựa, chai đựng đầy nước úp ngược (phía dưới là đĩa có gờ để nước rỉ dần ra đĩa cho gà uống) hoặc các chụp ống bằng nhựa hoặc ống bương các chụp ống bằng nhựa 3,5-4 lít cho 100 gà.

* Nuôi gà từ 4 tuần tuổi đến khi giết thịt

Sau 4 tuần tuổi bắt đầu thả gà ra vườn, thả khi mặt trời đã mọc từ 1-2 giờ. Ngày đầu thả gà ra khoảng 2 tiếng và tăng dần vào những ngày sau để gà quen dần trong vòng một tuần.

Đảm bảo dinh dưỡng cho gà với tỷ lệ protein thô 15-16%, năng lượng 2800 kacl. Cần bổ sung thêm thức ăn cho gà vào buổi chiều trước khi gà lên chuồng bằng lúa, tấm, cám, giun đất...

Trước khi bán 10-15 ngày, vỗ béo cho gà bằng cách cho gà ăn tự do thức ăn hỗn hợp tấm hoặc ngô vàng.

Bà con có nhu cầu mua giống và tư vấn kỹ thuật, liên hệ: ông Lê Toái, số điện thoại: 0583.946038./.