00:00 Số lượt truy cập: 3083284

Nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học: Giải pháp hạn chế dịch bệnh 

Được đăng : 03/11/2016
Thời gian gần đây, mô hình nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học đã được nhiều địa phương thực hiện. Tuy được phổ biến khá rộng rãi, nhưng còn ít nông dân áp dụng phương thức chăn nuôi này. Thực tế cho thấy, nếu biết cách chăm sóc, mô hình sẽ mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Văn Việt ở ấp Chợ Cũ, xã Châu Hưng (Thạnh Trị - Sóc Trăng) là một trong những nông dân thực hiện khá thành công.

Ông Việt kiểm tra vịt giống trước khi giao cho khách.

Hầu như ngày nào gia đình ông Việt cũng bận rộn với việc ấp nở trứng và bán vịt con. Mỗi ngày, ông cho ra lò hàng ngàn vịt con nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của khách. Khách hàng đến đặt mua vì biết ông Việt nuôi vịt theo quy trình an toàn sinh học nên con giống của cơ sở luôn khỏe mạnh.

Để có kiến thức và kinh nghiệm, ông Việt đã trải qua thời gian khá dài với nghề nuôi vịt. Ban đầu, ông nuôi vịt đẻ và chạy đồng. ông cho biết, nuôi vịt chạy đồng rất vất vả, cứ đến mùa thu hoạch lúa, ông lại lùa vịt đi hết đồng này đến đồng khác, có khi cả tháng không về nhà, năm nào thuận mùa thì trúng, có năm thời tiết xấu hoặc dịch bệnh xảy ra coi như lỗ nặng. Mặc dù mỗi đợt chỉ nuôi vài trăm con vịt đẻ, nhưng trong 15 năm nuôi vịt chạy đồng, lúc nào trong lòng ông cũng canh cánh lo âu.

Thời gian gần đây, khi dịch bệnh trên đàn gia cầm ngày càng lan rộng, một số mô hình nuôi vịt nhốt chuồng bắt đầu xuất hiện, ông Việt nhận thấy đây chính là hướng đi tất yếu. Sau khi phân tích so sánh giữa các mô hình, ông quyết định nuôi nhốt mặc dù chi phí đầu tư ban đầu hơi cao. Khi bắt đầu nuôi, ông cất công tìm tòi học hỏi ở những mô hình đã thành công, đồng thời đến trạm thú y địa phương xin được tư vấn và hỗ trợ về vấn đề vệ sinh, phòng bệnh cho đàn vịt.

Sau khi mô hình đi vào ổn định, ông mạnh dạn đầu tư thêm lò ấp để bán vịt con. Để ấp trứng thành công, ông phải thử đi thử lại nhiều lần. Sau mỗi lần ấp thử, thấy chưa đạt, ông lại đến các lò ấp quen để nghiên cứu. Sau gần một năm tìm hiểu, ông đã thành công với nghề mới. Tuy nhiên, điều khiến ông lúng túng, đó là đầu ra của vịt con. Cơ sở của ông mới đi vào hoạt động, khách hàng chưa hiểu rõ chất lượng vịt giống nên chẳng ai dám mua. ông nghĩ ra cách nhờ bà con, anh em nuôi thử để đánh giá chất lượng. Điều đáng mừng là vịt giống do cơ sở ông sản xuất đạt yêu cầu của người nuôi cả về chất lượng và giá cả. Thế là chỉ trong hai năm, cơ sở ấp vịt của ông Việt đã được nhiều nông dân trong vùng biết đến, ông có điều kiện mở rộng quy mô nuôi và lò ấp. Từ vài trăm vịt đẻ, đến nay, ông đã tăng số vịt bố mẹ lên trên 1.000 con mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Với tinh thần hợp tác tốt với chính quyền, ngành chức năng trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm, ông Việt luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của cán bộ thú y đề ra như: định kỳ hàng tuần phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại, tiêm phòng đúng ngày, đúng liều, thường xuyên thay đổi con giống... Ngoài ra, ông còn hợp tác với địa phương trong việc mở sổ theo dõi đàn vịt của những khách hàng đã mua giống. Việc làm này một mặt để ngành thú y quản lý và tiêm phòng đúng hẹn, mặt khác giúp ông Việt nắm rõ chất lượng vịt giống đã bán ra.

Đến nay, sau hơn 5 năm mở lò ấp và bán con giống, đàn vịt của ông chưa bị mắc dịch bệnh và chết hàng loạt. Đây là kết quả đáng mừng của sự kết hợp giữa người dân và ngành chức năng đối với việc phòng chống dịch cúm gia cầm. Không những thế, ông Việt còn sẵn sàng bán trả chậm con giống, hỗ trợ kỹ thuật nuôi và đầu ra cho những người có nhu cầu. Bằng cách này, ông đã giúp hàng chục hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu.

Mặc dù mô hình nuôi vịt an toàn sinh học mới chỉ bắt đầu nhưng những gì ông Việt đã thực hiện theo khuyến cáo của ngành chức năng là rất đáng quý, thể hiện sự thay đổi trong nhận thức, cách làm của người nông dân. Từ những người đi tiên phong, ngành chăn nuôi sẽ từng bước hoàn thiện để áp dụng vào thực tế, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra.