00:00 Số lượt truy cập: 3193315

Nuôi heo rừng bằng...vi tính! 

Được đăng : 03/11/2016
Đó là câu chuyện về anh Trần Đức Quốc (31 tuổi) - chủ trang trại nuôi heo rừng giống ở thôn Hòa Trung, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng. Nghe tiếng đã lâu, hôm nay chúng tôi mới được tới thăm trại heo giống của anh.

Trên đường dẫn chúng tôi tới “Trang trại Nhất Trung Sơn”, anh Phước, cán bộ nông nghiệp của xã cho biết: Cả xã có ba trang trại nuôi heo rừng và nhím. Hầu hết họ từ thành phố lên, còn dân ở đây chưa ai dám nuôi vì cần có vốn lớn và quy mô rộng. Anh Quốc là một trong những người đầu tiên đã thành công trong lĩnh vực này...

Bỏ phố lên đồi ...

Anh Quốc kể: “Tôi lập trại vào tháng 4-2006 với tổng diện tích 3ha, trong đó diện tích nuôi là 0,5ha. Ngày đầu, ngoài số tiền gia đình cho, tôi phải đi vay ngân hàng, một năm phải đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó 106 triệu đồng mua heo giống, còn lại là đầu tư cơ sở vật chất”. Thuận lợi là gia đình và các ban ngành từ xã đến thành phố rất ủng hộ, lại đúng với sở thích của anh nên công việc cũng suôn sẻ. Khởi đầu từ 28 con heo giống, đến nay sau 2 năm, toàn trang trại có 27 heo nái và 120 heo con.

Vì sao từ một thanh niên ở phố và có việc làm ổn định nhưng anh vẫn chọn những chú heo rừng làm mục đích chính của mình? Anh Quốc tâm sự: “Tôi chưa học hết lớp 12, không bằng cấp, làm nhiều nghề, từ công nhân xây dựng đến nhân viên an ninh kiêm lái xe của ngân hàng. Hơn chục năm làm việc, lương tháng 2 - 3 triệu đồng”.

Đối với người khác, thế là đủ nhưng anh lại khác. “Nhiều lúc rảnh rỗi cảm thấy thời gian và tuổi trẻ đi nhanh quá mà chưa làm được gì. Không có bằng cấp, có làm nữa thì cũng chẳng thể tiến thân được. Công việc chỉ làng nhàng như vậy, giữa thành phố thì khó sống lắm, với lại tôi thích tự do và nhiều đam mê”, anh nói tiếp.

Anh ấp ủ ước mơ nuôi heo rừng từ khi còn là nhân viên ngân hàng. Với lòng đam mê, anh bỏ công việc tại ngân hàng để tìm hiểu thông tin về heo rừng trên sách báo và Internet, lặn lội vào tận Củ Chi, Bình Dương, Bình Phước… mua giống và tìm hiểu cách chăn nuôi.

Bỏ hàng tỷ đồng khi chưa có kinh nghiệm nuôi, lại không có sự giúp đỡ trực tiếp của ai, “ngày đầu một mình, trên vùng đất đồi này nhưng tôi luôn tin tưởng mình sẽ làm được, cái chính là sự kiên trì, đôi khi một chút liều lĩnh nữa”. Từ những ngày mò mẫm ấy, giờ đây anh đã có một trang trại nuôi heo giống lớn ở miền Trung.

... trở thành “nông dân cao cấp”

Dù điều kiện cơ sở vật chất ở một xã vùng núi còn nhiều khó khăn nhưng với sức trẻ và hướng chăn nuôi mới, người chủ trang trại này đã mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là những tiện ích của công nghệ thông tin vào chăn nuôi. Đối với anh, Internet đã trở thành “người bạn đường” và “chuyên gia đồng hành” từ những ngày đầu khi dự án của anh còn trong trứng nước.

Anh nói: “Tôi nuôi heo rừng bằng… máy vi tính và Internet. Tất cả, từ khâu chăm sóc thú y đến quản lý con giống, thức ăn và chế độ dinh dưỡng… đều được theo dõi trên máy vi tính”. Nuôi heo giống vừa tiết kiệm được thời gian và giá bán cao hơn nuôi thương phẩm: Mỗi con heo giống chỉ hơn 3 tháng tuổi là được xuất chuồng với giá dao động từ 210.000 đến 250.000đ/kg (3 – 5 triệu đồng/con).

Nuôi heo rừng ở nước ta bắt đầu lan rộng từ năm 2006, hiện nay cả nước có khoảng 20 trang trại, tập trung ở các tỉnh như Hòa Bình, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh… Mỗi năm trang trại của anh bán khoảng 500 đến 600 con giống, thu về từ 1,5 đến 1,8 tỷ đồng, trừ chi phí mỗi năm anh lãi từ 500 đến 600 triệu đồng.

Theo nhận định từ Viện Chăn nuôi, nhu cầu tiêu thụ thịt heo rừng tại các nhà hàng, khách sạn ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng hiện nay và trong tương lai là rất lớn, thịt heo rừng sẽ trở thành món ăn “khoái khẩu” và là sự lựa chọn của nhiều thực khách sành điệu. Song hiện nay, “cung vẫn chưa đủ cầu” cho nên trong những năm tới khi thị trường heo giống đã bão hòa, trang trại của anh sẽ chuyển sang hình thức nuôi heo thịt nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng cao của người dân Đà Nẵng và các vùng lân cận.

Nguyễn Văn Tuyền

Vừa qua anh Quốc vinh dự được thay mặt cho hàng chục doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố Đà Nẵng đi dự Hội thảo Quốc gia tại Viện Chăn nuôi. Anh đã được nhận nhiều giấy khen, bằng khen và chứng chỉ của huyện, thành phố và Viện Chăn nuôi… vì đã có những thành tích cao trong việc nuôi dưỡng và phát triển đàn heo rừng. Đây thực sự là một điển hình tiên tiến, dám nghĩ, dám làm cần được khuyến khích và nhân rộng.