Nuôi lợn rừng - mô hình phát triển kinh tế mới ở huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh
Được đăng : 03/11/2016
Đến Lương Mông, một trong những xã khó khăn nhất của huyện Ba Chẽ, chúng tôi đã được gặp anh Nguyễn Thái Phong, thôn Xóm Mới. Qua câu chuyện, anh Phong cho biết: Là một xã rất khó khăn, đời sống các hộ dân chủ yếu phụ thuộc vào chăn nuôi và trồng rừng.
Những năm qua được sự quan tâm của các cấp, đời sống của người dân có nhiều đổi thay. Đó là biết áp dụng KHKT để chăn nuôi và trồng trọt có năng suất cao hơn trước. Tuy nhiên, tại xã vẫn chưa có nhiều mô hình phát triển kinh tế được người dân thực hiện. Qua tìm hiểu sách báo, tư liệu anh Phong được biết nhiều địa phương vùng cao có điều kiện tự nhiên rất giống huyện Ba Chẽ hiện nay đã áp dụng thành công mô hình nuôi lợn rừng. Do đó anh đã mạnh dạn đầu tư tiền mua con giống và cải tạo chuồng trại để phát triển mô hình mới mẻ này.
Từ tháng 6-2009, gia đình anh Nguyễn Thái Phong đã bắt đầu triển khai mô hình nuôi lợn rừng. Cùng với 5 con giống mua bên ngoài, gia đình anh được hỗ trợ thêm 3 con giống từ chương trình phát triển mô hình trang trại của huyện. Sau gần 1 năm chăm sóc, tháng 4-2010, gia đình anh đã cho xuất chuồng 4 đôi lợn giống và thu về trên 30 triệu đồng. Đây là một nguồn thu nhập không nhỏ đối với các gia đình ở vùng cao hiện nay. Anh Phong cho biết thêm: Nuôi lợn rừng cũng không khó khăn mấy. Vì lợn ăn các loại thức ăn rất sẵn có tại địa bàn như: rau, sắn, củ chuối… Bên cạnh đó, gia đình cũng kết hợp cho ăn thêm cám dinh dưỡng song chi phí cũng không đáng kể. Giống lợn rừng khoẻ, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu và địa hình của địa phương. Tuy nhiên, người nuôi cũng phải tăng cường nắm bắt các thông tin về KHKT trong chăn nuôi để áp dụng. Ngoài ra, cần có hướng theo dõi dịch bệnh trên đàn gia súc, để có phương án điều trị sớm, tránh để lợn mắc bệnh trong thời gian dài dẫn đến còi cọc hoặc chết, giảm năng suất chăn nuôi. Từ thành công ban đầu của gia đình anh Phong, rất nhiều gia đình khác trong thôn đã đến tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm nuôi lợn rừng để xây dựng mô hình này.
Không chỉ đối với xã Lương Mông, hiện nay, mô hình nuôi lợn rừng đã được một số hộ dân tại các xã khác trong huyện Ba Chẽ thực hiện. Tuy quy mô mở rộng chưa lớn song qua một thời gian đã cho thấy đây là một mô hình chăn nuôi khá hiệu quả. Đây cũng là một trong những mô hình được huyện Ba Chẽ xác định tập trung đầu tư để phát triển sản xuất cho người dân trong năm 2010 và những năm tiếp theo. Với điều kiện tự nhiên khá phù hợp với mô hình nuôi lợn rừng hứa hẹn sẽ là một hướng phát triển kinh tế mới của người dân huyện Ba Chẽ. Tuy nhiên, mức đầu tư ban đầu cho mô hình này không phải thấp, tối thiểu 20-30 triệu đồng… Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ kinh phí của huyện thì không phải gia đình nào cũng đủ sức thực hiện. Bên cạnh đó, điều quan trọng là người dân cũng cần chủ động tìm hiểu, kiên trì thực hiện mô hình.