00:00 Số lượt truy cập: 2995452

Nuôi lợn rừng trên cát 

Được đăng : 03/11/2016
Lợn rừng nuôi trên cát phèn, điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng biển. Nghe có vẻ trái khoáy nhưng đây là mô hình đang phát huy hiệu quả trên địa bàn thôn Thâm Khê, xã vùng biển Hải Khê, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Ông Trương Văn Cần, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mô hình kinh tế trang trại này đang được nhân rộng trên địa bàn trong thời gian tới”.

Chúng tôi đến trang trại lợn rừng của bà Trần Thị Đông, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê nuôi 30 con lợn rừng, trong đó 6 con lợn giống. Khác với nhiều trang trại, nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ của thiên nhiên. Trang trại của bà như một mảnh rừng còn nguyên sinh, chim chóc, động vật rừng quần tụ sinh sống. Thấy chúng tôi có vẻ tò mò, bà Đông giải thích: “Bí quyết nuôi lợn rừng của vợ chồng tui đó. Nói nôm na là gia đình tui “bứng” lợn và rừng về với vùng biển”.

Ông Nguyễn Văn Giáp, nguyên trưởng Phòng nông nghiệp huyện Hải Lăng, được điều về làm Bí thư Đảng uỷ xã Hải Khê giải thích thêm: “Đặc tính loài lợn rừng nhạy cảm với thay đổi môi trường tự nhiên, nên càng gần gũi với môi trường nguyên sinh, lợn càng có sức đề kháng cao, tránh nhiều loại bệnh tật. Trước kia nghe đề cập đến mô hình nuôi lợn trên cát có vẻ là lạ, đất cát mặn, khí hậu khác với núi rừng. Trên địa bàn xã cũng có một hộ nuôi theo mô hình này. Ông A. đầu tư chuồng trại bài bản, nền láng xi măng sạch bóng. Mua 6 con lợn rừng giống nuôi được 3 tháng thì lần lượt bỏ ăn, đi phân lỏng rồi lăn ra chết, gia đình ông thiệt hại hơn 30 triệu đồng. Sau khi tham quan mô hình bà Đông, ông kết luận: “Chắc do chuồng gia đình tôi sạch quá, lại không có môi trường cây xanh nên lợn phát bệnh chết”. Suy nghĩ của ông A. không phải vô lý. Tôi có anh bạn ở vùng bán sơn địa huyện Cam Lộ bán con trâu được 30 triệu đồng, lên một trang trại lợn rừng ở huyện Hướng Hóa mua 4 con lợn nái và một con lợn đực giống hơn 20 kg. Chủ trang trại hứa như đinh đóng cột: “Mô tui không hứa chứ địa bàn Cam Lộ là quá thích hợp. Có gì cứ mang lên trả lại tui”. Anh đầu tư chuồng trại láng xi măng, lợp che đâu ra đấy, thế mà chỉ một tháng lợn bắt đầu biếng ăn, chạy quanh như hoá dại, ho sù sụ, rồi 4 con lăn đùng ra chết. Anh tức tốc ôm 2 con còn lại mềm oặt trên tay lên mắng ông chủ trang trại, thì lạ chưa, mới đặt xuống khóm rừng, 2 con lợn vùng ngay dậy, ngoạm từng miếng lá cây nhai ngấu nghiến, rồi chạy nhảy tung tăng hoạt bát vô cùng. Thì ra bệnh tình gì đâu, 2 lão “ỉn” này nhớ rừng, mà trang trại anh bị bê tông hoá, nên sinh bệnh đó thôi”.

Trở lại với trang trại của bà Đông để hỏi thêm đầu ra của lợn. Bà Đông cho biết: “Nuôi lợn rừng đầu tư rất thấp, không hơn con gà là mấy. Như trang trại của tôi đây, một ngày chi phí thức ăn cho 30 con lợn khoảng 20 nghìn tiền cám. Thức ăn còn lại chủ yếu cỏ non và rau xanh các loại. Chúng tôi quy hoạch các vùng trồng cỏ voi, cỏ lau và rau quanh trang trại. Loại cỏ này phát triển rất nhanh, lợn mặc sức ăn không hết. Đầu ra lợn thịt khá ổn định. Tư thương đến tận nơi mua 1 kg lợn hơi giá 100 nghìn đồng. Lợn nái đẻ một lứa từ 8-10 con, 2 năm đẻ 5 lứa. Lợn con nuôi khoảng 7 tháng thì xuất chuồng. Tổng thu nhập mỗi năm lãi 120 triệu đồng”.

Ông Trương Văn Cần, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Cách đây 3 năm, gia đình bà Đông thuộc diện cận nghèo, hai vợ chồng tính đường cho mấy đứa con bỏ học phụ giúp gia đình. Nhưng bây giờ khác rồi, 6 đứa được học hành đàng hoàng, tiện nghi trong nhà đầy đủ”.

Qua mô hình nuôi lợn rừng trên cát của bà Trần Thị Đông cho thấy việc phát triển các mô hình khác tương tự như nuôi bò trên cát, nuôi nhím trên cát... cũng có thể phát huy hiệu quả. Nói như ông Nguyễn Văn Giáp, Bí thư Đảng uỷ xã Hải Khê: “Làm giàu không khó, nhưng phải biết cách làm giàu”.