Bà con nông dân các xã vùng bán sơn địa thuộc huyện Tuy An (Phú Yên) đang "ăn nên làm ra" nhờ nuôi nai. Với mức lãi từ 30 - 50 triệu đồng/cặp nai/năm, nghề nuôi nai đang hấp dẫn nông dân nơi này.
Các xã An Nghiệp, An Định và An Lĩnh hình thành nghề nuôi nai được 10 năm nay. Tại An Nghiệp, hiện có 8 hộ nuôi nai với tổng đàn 29 con. Theo tính toán của ông Nguyễn Kim - một hộ nuôi nai, với thời giá hiện nay, cứ bình quân 1 con nai mẹ 1 năm đẻ 1 nai con bán được 25 triệu đồng, nai con đạt đến 3 tháng tuổi có thể bán với giá 30 - 32 triệu đồng. Ngoài ra, một con nai trưởng thành từ 3 - 7 tuổi còn cho mỗi năm 2 lần nhung, mỗi lần cắt được từ 1,5 - 2 kg, giá bán 7,5 triệu đồng/kg, nên người nuôi nai có thu nhập rất cao.
Ông Đặng Tâm, ở xã An Nghiệp đang chăm sóc nai con mới sinh.
Bà Ngô Thị Nga (thôn Định Phong, xã An Nghiệp cho biết: "Với 8 con nai trong chuồng, năm thấp nhất tôi cũng thu lãi 100 triệu đồng, năm nay thuận hơn nên ước tính lãi được 150 triệu đồng". Nhờ nuôi nai gần 10 năm nay mà ông Đặng Tâm (thôn Phong Niên, An Nghiệp) nuôi được 4 đứa con ăn học đàng hoàng. Ông Tâm cho biết, năm nay giống nai đang sốt giá nên cứ 1 nai con đủ 3 tháng tuổi là cầm chắc 30 triệu đồng.
Thời tiết thuận lợi, nguồn thức ăn tại chỗ dồi dào, nông dân sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi nai... là điều kiện thuận lợi để nghề nuôi nai ở Tuy An phát triển. Những hộ nuôi nai chỉ cần một khoảng đất không quá rộng, cao ráo để làm chuồng trại nuôi nai, một vuông đất chừng 1 - 2 sào để trồng cỏ, rau muống và vốn ban đầu cho một cặp giống là có thể khởi nghiệp.
Hiện Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm huyện Tuy An đang triển khai thực hiện đề tài khoa học nuôi nai sinh sản và nuôi nai lấy nhung với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng, sẽ chuyển giao toàn bộ kỹ thuật công nghệ và quy trình nuôi nai cho nông dân nhằm giúp bà con có thể làm giàu từ đối tượng vật nuôi mới này.
Ngoài cỏ, rau muống tự trồng và cháo nấu từ gạo, bắp, cám... ở An Nghiệp, người nuôi còn bổ sung các loại lá cây tự nhiên được hái trong vườn, trên các lưng đồi quanh làng theo công thức 2 phần cỏ, rau trồng/phần lá cây tự nhiên.
Ông Nguyễn Kim là người nuôi nai đầu tiên ở An Nghiệp. Từ năm 1995, ông mua một con nai rừng về thuần dưỡng và bắt đầu nghề nuôi nai từ đó. Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng ông Kim cũng rút ra được những kinh nghiệm quý và truyền đạt lại cho bà con trong vùng.
Đến nay riêng xã An Nghiệp có 8 hộ nuôi và hiện 60 hộ đang xây dựng chuồng trại để phát triển nuôi nai trong năm nay. Mới đây, Hội ND huyện Tuy An đã phối hợp Trung tâm Giống và Kỹ thuật vật nuôi Phú Yên tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi nai cho nông dân.