Những năm trước kia, khi huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) bắt đầu phát triển mạnh nghề nuôi tu hài, người dân và các cấp lãnh đạo kỳ vọng rất nhiều vào thế mạnh kinh tế của loài nhuyễn thể hai mảnh giàu dinh dưỡng này.
Con tu hài có những lợi thế, đó là loài bản địa nên có khả năng thích nghi, phát triển cao, ít dịch bệnh, tăng trưởng tốt. Khi mới nuôi trồng tu hài, những vụ thu hoạch ban đầu, sản phẩm này là món ăn thời thượng tại các nhà hàng cao cấp, giá bán tu hài có lúc lên đến 250.000 đồng/kg. Để nhân lên thế mạnh của tu hài, đầu ra hướng vào xuất khẩu được mong đợi nhất, mà thực tế khách nước ngoài cũng mong được nhập khẩu tu hài của Việt Nam, nhưng cánh cửa này đã sớm bị chặn lại. Lý do: Loài tu hài sức đề kháng kém, một khi đã thu hoạch, chúng chỉ có thể sống trong thời gian ngắn. Có doanh nghiệp nuôi trồng nhiều tu hài có được hợp đồng xuất khẩu sang Nhật, lần đầu xuất hàng qua đường máy bay, tốn phí khá lớn, sau 48 giờ bay đến Nhật, tỷ lệ tu hài bị chết lên đến hơn 80%. Cộng vào đó, con tu hài khó chế biến. Còn khi đã qua đông lạnh, lại không ngon.
Sau con tu hài, những năm gần đây trên vùng nuôi trồng của Vân Đồn xuất hiện loài nuôi mới có giá trị kinh tế cao đó là con ngao hoa có nguồn gốc từ Đài Loan. Thời kỳ đầu các hộ dân đã nhận nuôi 142.000 con giống đều phát triển tốt. Điều đáng bàn là ngao hoa có sức sống bền bỉ, chịu được mưa rét, thời gian thu hoạch chỉ bằng một nửa so với nuôi tu hài, không kén đất sống, lại có đầu ra xuất khẩu hết sức rộng mở. Hiện tại giá ngao hoa cao hơn tu hài; ngao hoa loại một bán được 200.000 đồng/kg; loại hai cũng có giá từ 140.000 đến 150.000 đồng/kg.
Thuỷ triều rút cạn, bãi nuôi tu hài đã kiệt nước, chúng tôi xuống xem, thấy mặt cát được trùm phủ một lần lưới khá dày mắt, để không cho cà khé, cá gầu... vào bắt tu hài. Thỉnh thoảng mặt bãi lại vọt lên những “cần nước” từ vòi xúc tu của tu hài. Người dẫn chúng tôi thăm bãi cho biết - “tu hài có vòi xúc tu ăn ngược lên trên, bởi vậy hay bị cá và các loài khác cắt đứt, còn ngao hoa, vòi cụp xuống nên tránh được mối nguy này. Vào giữa tháng 6 vừa qua, lúc thuỷ triều kiệt nước nhất, các bãi nuôi tu hài đều bị phơi mặt, không may gặp trận mưa trắng bãi, dài đến gần 4 giờ, nhiều bãi, tu hài chết sạch. Đận đó người nuôi tu hài trên bãi của Vân Đồn bị thiệt hại nặng nề, song con ngao hoa sống tốt trong mưa. Ngao hoa chịu được thời tiết khắc nghiệt, kể cả khi nhiệt độ xuống thấp đến 7, 8 độ, ngao vẫn không bị chết và điều quan trọng nhất, thị trường xuất khẩu của ngao hoa sang Đài Loan, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, châu Âu… có bao nhiêu cũng bán được hết. Một số thương lái nước ngoài đã nhận bao tiêu sản phẩm ngao hoa.
Thời gian nuôi ngao hoa ngắn, chỉ bằng hơn một nửa so với nuôi tu hài, khoảng 10 tháng đến một năm đã cho thu hoạch, (nuôi tu hài từ 18 đến 24 tháng) bởi vậy trên cùng diện tích, cùng một thời gian, nuôi ngao hoa mang lại nguồn lợi gần gấp đôi nuôi tu hài. Con ngao không kén đất nuôi, có thể những bãi cát chất lượng kém nuôi tu hài không còn hiệu quả cao, song nuôi ngao hoa vẫn tốt, thậm chí ngao có thể sống được ở các bãi có lẫn bùn đất mà tu hài không tồn tại được. Ngao hoa tận dụng được thức ăn thải ra của tu hài. Có thể nuôi ngao trên bãi hoặc trong lồng, cách nuôi cũng tương tự như nuôi tu hài, năng suất nuôi ngao hoa khá cao, trên một ha nuôi lồng mỗi con đạt trọng lượng từ 30 đến 50 gam. Trên cùng diện tích, giá đầu tư nuôi chỉ bằng 70 đến 80% so với nuôi tu hài và giá trị dinh dưỡng của ngao hoa không kém tu hài nhiều, giá giống ngao hoa cấp hai rẻ, chỉ bằng từ 70 đến 80% so với tu hài. Tỷ lệ sống của ngao hoa khá cao, những hộ lần đầu nuôi cũng đạt từ 94 đến 97%. Về nuôi ngao trong lồng, chi phí thấp hơn từ 15 đến 20% so với tu hài do không cần phải mua lồng cao thành; còn nuôi bãi chỉ cần tầng cát mặt dày 20cm (bằng một nửa so với tu hài) là ngao đã phát triển được.
Đến nay ở Vân Đồn đã phát triển nuôi ngao hoa trên địa bàn 6 xã, trong đó tất cả các xã đảo như Ngọc Vừng, Quan Lạn, Thắng Lợi… đều đã nuôi ngao hoa. Hiện tại, cơ sở nhân giống ngao hoa tại Vân Đồn đã có thể cung cấp 30 triệu con giống cho các hộ nuôi.