Chuồng heo thành chuồng nhím
Năm 2006, chỉ thị cấm nuôi và giết mổ gia súc, gia cầm trong thành phố khiến bà Phan Thị Tiếp (tổ 17, Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, điện thoại: 0511.3674290) buồn thiu. Nhưng sau thời gian dò hỏi, được nhiều người mách nước, cuối năm 2006 chuồng heo trước đây của nhà bà đón 5 thành viên lạ: 2 nhím đực và 3 nhím cái.
"Lúc đầu, tui cũng lo lo. Chưa nuôi thú rừng bao giờ, lỡ không hợp khí hậu, điều kiện sống, coi như gần 20 triệu đồng bỏ ra mất trắng" - bà Tiếp kể. Nhưng rồi qua thời gian được hướng dẫn kỹ thuật nuôi, giúp đỡ thủ tục của Chi cục Kiểm lâm, đến giờ, bà Tiếp không giấu nổi niềm vui: từ 5 con nhím ban đầu, chỉ hơn 2 năm, qua 3 lần sinh nở, đàn nhím của nhà bà đã lên 11 con. Việc nuôi nhím đẻ cũng để tự nhiên, không cần phải can thiệp. Khu chuồng heo lúc trước của nhà bà giờ được sửa sang, ngăn thêm vài ô nhỏ để thả thêm nhím.
Hằng ngày, bà Tiếp thu gom, tận dụng rau, quả mua từ chợ đầu mối gần đó về thả cho nhím ăn mà không cần qua nấu nướng; một ngày, chỉ cần cho ăn chừng 2-3 lần. "Mỗi lần heo bỏ ăn là coi như tui cũng bỏ ăn theo, còn nuôi nhím thì dễ lắm, chưa thấy bệnh dịch hay kén ăn gì cả mà hiệu quả kinh tế lại cao hơn heo", bà trầm trồ. Trung bình một cặp nhím con có giá 8 triệu đồng, nhưng nếu đã qua một năm tuổi thì giá phải hơn chục triệu đồng.
Mô hình nuôi nhím trong thành phố của nhà bà Tiếp đã trở thành điển hình, nhiều người học tập. Nguồn nhím giống không đủ để bán. Bà kể cách đây mấy tháng, có người tìm con giống để nuôi. Từ giá ban đầu 12 triệu đồng/cặp, về sau, họ đề nghị lên tới 20 triệu. Nhưng, "dù giá có cao mấy tui cũng không bán"! Qua vài lần thu hoạch bán nhím thịt và nhím giống con đã giúp bà mua sắm, sửa sang nhà cửa, có đồng ra đồng vô.
Giá nhím bằng giá bò
Còn trên cao nguyên Đắk Lắk, gần như ngày nào cũng có khách tìm đến hỏi mua nhím giống ở cơ sở nuôi nhím của chị Vi Thị Thanh Liễu, 48 tuổi, giữa khu phố thanh bình của tổ 5, khối 8, P.Tân An, TP Buôn Ma Thuột (điện thoại: 01666022036). Trên khu đất nhỏ phía sau nhà chị Liễu, hàng chục ô xi măng, mỗi ô rộng 1m2, che chắn bằng hàng rào thép cao ngang ngực, là nơi cư ngụ của hơn 100 con nhím lớn nhỏ. Chị Liễu bảo: "Trước đây, chưa có kinh nghiệm, tôi xây mỗi chuồng rộng chừng 4m2, thả một lúc bốn, năm con nhím vào thì xảy ra hỗn chiến, cả đực, cái đánh nhau quyết liệt. Sau mới chia nhỏ từng ngăn, có cửa thông nhau, dễ kiểm soát từng con".
Gia đình chị Liễu gắn bó với nghề nuôi nhím khá tình cờ. Năm 2001, có người bạn đem cho một nhím con để nuôi trong lồng làm cảnh, sau vài tháng, nhím lớn nhanh đến nỗi không chui ra được khỏi cửa lồng, phải phá lồng để làm chuồng riêng. Năm sau, chị Liễu xin thêm hai con nhím nhỏ nữa, nuôi đến khi mỗi con lớn gần chục ký mà không thấy sinh sản gì, cũng không biết đó là nhím đực hay cái.
Chị bèn đi mượn một con nhím đực của người quen về nuôi cùng, sau một thời gian thì ba con nhím kia (đều là cái) đẻ đồng loạt gần chục nhím con. Chị mừng quá, liền làm các thủ tục đăng ký với cơ quan kiểm lâm theo quy định về nuôi dưỡng động vật hoang dã. Từ đó trở đi, đàn nhím sinh sản được ghi vào sổ theo dõi từng con, khi mua bán đều có xác nhận của cơ quan kiểm lâm. Đến nay, chị Liễu nuôi gần 50 con nhím cái, trong đó 30 con đến tuổi sinh sản, mỗi năm cho ra đời hơn 100 nhím con. Nhím giống hai tháng tuổi bán mỗi con tới 5 triệu đồng, bằng giá một con bò đực đến tuổi kéo cày.
Từ chỗ nuôi chơi, giờ đây đàn nhím là cả tài sản lớn, mỗi năm sinh lợi vài trăm triệu đồng. Chị Liễu cho biết, người nuôi nhím có xu hướng ngày càng tăng dù tiền giống khá đắt. Khách đến mua nhím giống không chỉ ở các tỉnh Tây Nguyên mà còn từ các tỉnh phía bắc như Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Sơn La… Hiện giờ, người mua con giống phải đến đặt hàng trước khi… nhím đẻ.