Anh Trần Đình Vường là một trong những hộ nuôi rắn thương phẩm có hiệu quả kinh tế cao trong xã Chi Lăng. Năm 2000, sau khi học hỏi kinh nghiệm và tham khảo một số mô hình nuôi rắn thương phẩm, anh Vường bắt tay vào nuôi thí điểm. Do thiếu kinh nghiệm và kiến thức nên hiệu quả thu được không cao. Bước sang năm 2001, anh quyết định đầu tư vốn nhập về 50kg rắn giống. Loại rắn anh chọn là rắn hổ mang đen và hổ mang trâu. Năm 2008 là năm mà anh Vường cho rằng “thuận nhất”. Với 120kg giống rắn hổ mang đen và hổ mang trâu, mức giá nhập vào là 450.000 đồng/kg, sau hơn 8 tháng, anh thu được 210kg rắn thương phẩm, bán giá 590.000 - 600.000 đồng/kg, trừ chi phí, anh thu lãi gần 75 triệu đồng. Không chỉ dừng lại ở việc nuôi 2 giống rắn hổ mang đen và hổ mang trâu, năm 2009, anh Vường còn quyết định nuôi thêm rắn nước và ba ba gai với tổng số vốn đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Hiện anh có 9 chuồng nuôi rắn hổ mang, 1 ao nuôi rắn nước và 1 ao nuôi ba ba. Theo anh, trên thị trường lúc này giá ba ba khá ổn định nên anh muốn thử sức với con nuôi này. Anh Vường tâm sự, sở dĩ rắn thương phẩm của gia đình anh cho hiệu quả kinh tế cao, không chỉ bởi chất lượng của rắn mà còn bởi con giống nhập vào có nguồn gốc rõ ràng, dưới sự quản lý của các cơ quan chức năng nên khi bán ra, các đối tác đều yên tâm trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ. Tuy nhiên, nghề nuôi rắn vẫn là “nghề nguy hiểm”. Vì vậy mặc dù nuôi rắn là nghề cho hiệu quả kinh tế cao nhưng ở Chi Lăng hiện nay không phải gia đình nào cũng có thể làm được. Thêm vào đó, tình trạng thiếu vốn và kỹ thuật đã hạn chế việc các gia đình chuyển sang nuôi rắn. Mong mỏi lớn nhất của người dân nơi đây là được ngành chức năng tập huấn kỹ thuật để nâng cao tay nghề và tạo điều kiện cho bà con vay vốn mở rộng sản xuất. |