Nuôi tôm công nghiệp như ông Bảy Khiếm ở Cà Mau
Được đăng : 03/11/2016
Nếu là nông dân nuôi tôm sú, muốn làm giàu thì nên một lần đến tham quan mô hình nuôi tôm sú công nghiệp của ông Bảy Khiếm (Lâm Văn Khiếm), tổ trưởng tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (Cà Mau).
Ông Khiếm ăn nên làm ra từ mô hình nuôi tôm công nghiệp từ năm 2007 đến nay. Riêng năm 2009, lợi nhuận ông thu trên 450 triệu đồng. Nhiều năm liền ông được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Kỹ thuật nuôi tôm sú công nghiệp của ông Bảy Khiếm rất khoa học, bài bản và nhiều sáng tạo. Mỗi năm ông thả nuôi 2 vụ theo lịch khuyến cáo của địa phương và theo dõi sát diễn biến thời tiết. Sau mỗi vụ nuôi, ông tiến hành tát cạn ao, cào bùn đáy, dọn rác, gia cố bờ và phơi khô đáy ao. Sau đó bón vôi 300 kg/ha, lấy nước vào ao 50 - 60 cm, sử dụng D-algae và tiến hành lắp quạt nước.
Sau 3 ngày, ông lấy nước đầy ao (1,6 - 1,7 m), rào lưới cao 5 tấc xung quanh bờ để ngăn chặn địch hại xâm nhập vào ao nuôi. Chạy quạt nước trong 3 ngày liên tiếp, sau đó dùng Chlorine xử lý nước với liều lượng 35 kg/1.000 m3 nước. Tiếp tục chạy quạt nước từ 10 - 12 ngày nữa để loại bỏ hết dư lượng Chlorine rồi mới tiến hành gây màu nước.
Khi nước có màu xanh đọt chuối và kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, độ kiềm đạt thì tiến hành thả tôm.
Công thức gây màu nước của ông Bảy Khiếm khá đặc biệt. Dựa trên kinh nghiệm lâu năm và kiến thức khoa học, ông sử dụng 5 kg thức ăn công nghiệp + 5 kg mật đường + 1 kg chế phẩm sinh học xử lý nước + 20 viên men rượu. Cho tất cả hỗn hợp trên vào thùng, thêm vào 10 lít nước, ủ trong 48 giờ và tạt cho 1.000 m3 nước ao nuôi.
Để biết chính xác số lượng và trọng lượng tôm trong ao vào thời điểm sau 30 ngày, giúp cho việc cho tôm ăn chính xác, sau khi chọn mua con giống từ công ty uy tín, xét nghiệm PCR kỹ càng, ông đem về ương tôm trong ao nhỏ (2.000 m2), cho ăn thức ăn công nghiệp, đến ngày thứ 30 - 40 thì đặt lú sang tôm qua ao nuôi.
Điểm đặc biệt nữa ở ông Bảy Khiếm là ông chỉ nuôi tôm với mật độ 20 con/m2 mặc dù ông đã nắm vững kỹ thuật, nuôi thành công rất nhiều vụ và có sẵn nguồn lực tài chính. Theo ông, nuôi tôm 20 con/m2 là để hướng tới mục tiêu an toàn, giảm chi phí và thu được tôm cỡ lớn, bán giá cao.
Việc chạy quạt nước cũng theo đúng sách vở, chạy nhiều vào ban đêm và những lúc thời tiết thay đổi như nắng nóng, mưa nhiều. Việc theo dõi nhá (chộp) để tăng giảm thức ăn cũng vậy. Theo ông, nên cẩn thận và quan sát kỹ để hạn chế dư thừa thức ăn, vừa tốn tiền thức ăn, vừa tốn tiền xử lý nước dơ do dư thức ăn gây nên.
Ông định kỳ chài tôm 7 ngày/lần để đánh giá tăng trưởng tôm nuôi và điều chỉnh thức ăn phù hợp. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, ông còn bổ sung men tiêu hóa, vitamin C, khoáng vi lượng, thuốc bổ gan… vào thức ăn cho tôm ăn để tăng sức đề kháng, giúp tôm tiêu hóa tốt.
Đối với môi trường nước, định kỳ 10 - 15 ngày tiến hành diệt khuẩn 1 lần bằng BKC hoặc Iodine, sau 3 ngày diệt khuẩn, sử dụng chế phẩm sinh học để phân hủy chất hữu cơ ở đáy ao. Duy trì diệt khuẩn và chế phẩm sinh học suốt vụ nuôi nên đã hạn chế được nhiều bệnh như: đóng rong, mòn đuôi, cụt đuôi…
Từ những thành công của mình và với tinh thần luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ thông tin kỹ thuật khi bà con nuôi tôm xung quanh cần, ông Bảy Khiếm đã trở thành tấm gương cho nhiều người nuôi tôm học hỏi và trở thành đầu tàu của Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp Tân Long hiện nay./.