Ông Lê Minh Tâm ở ấp Hiệp Dư (Nguyễn Huân, Đầm Dơi) là một trong số những hội viên nông dân của tỉnh Cà Mau về dự Đại hội thi đua yêu nước và biểu dương nông dân của Trung ương Hội vào tháng 9 vừa qua. Không chỉ có thành tích nổi bật trong sáng tạo phục vụ sản xuất, ông còn tích cực vận động tập thể cán bộ hội viên, nông dân xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Nói về những sáng tạo của mình, ông cho biết, hiện nay tình trạng biến đổi khí hậu, nước dâng cao, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh trong nuôi tôm thường xuyên xảy ra. Từ thực tế khó khăn trên thúc đẩy ông cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu ra những cái hay, cái mới để áp dụng trong mô hình của mình như: Từ việc sên vét ao đầm đến việc thực hiện quy trình thả tôm giống ông đều nghiên cứu cân nhắc kỹ lưỡng, tìm hiểu những thành công, thất bại để rút kinh nghiệm, từ đó tạo ra mô hình mới có hiệu quả cao hơn, cụ thể ông sáng chế thành công 02 đề tài.
Năm 2000 ông nghiên cứu thành công đề tài máy sên bùn ít lên nước đưa vào sử dụng đem lại hiệu quả cao, vì thời điểm đó trong tỉnh Cà Mau người dân có nhu cầu sên bùn cải tạo ao nuôi tôm rất nhiều, nhưng với máy sên thường dùng cho hiệu quả không cao, vì lượng nước máy hút lên rất nhiều, buộc người dân phải sả nước bùn ra ngoài làm ô nhiễm môi trường, nên ông nghiên cứu chế tạo máy sên bùn ít lên nước, nhằm hạn chế tối đa lượng nước mà máy hút lên, sau nhiều lần thất bại, cuối cùng ông đã chế tạo thành công máy sên bùn ít lên nước, cho năng suất gấp đôi máy sên bùn trước đây, thuận lợi rất nhiều cho việc cải tạo đầm nuôi tôm. Đề tài này đạt giải “Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Cà Mau năm 2011”, từ sáng chế này ông cũng đã chia sẻ kinh nghiệm cho một số anh em hội viên nông dân ở địa phương, thông qua đài Truyền hình Cà Mau, đài Truyền hình Trung ương (VTV2) năm 2012 và trên Báo xuân Đất Mũi năm 2014.
Với kinh nghiệm nhiều năm sống bằng nghề nuôi tôm, ông có điều kiện thực nghiệm, nghiên cứu nhiều mô hình, từ nuôi tôm quảng canh truyền thống đến những mô hình nuôi tôm hiện đại mật độ cao có trang bị kỹ thuật tiên tiến. Trên thực tế ông thấy các mô hình nuôi tôm hiện nay bộc lộ nhiều yếu tố kém bền vững, dễ suy thoái hệ vi sinh trong đất, gây ô nhiễm cho môi trường nước xung quanh. Từ cở sở thực tế có được, ông đã sáng tạo thành công mô hình lọc nước theo cơ chế dòng chảy một chiều.
Quy trình nuôi vận dụng cơ chế lọc này, ông áp dụng cho đầm nuôi quảng canh cải tiến, trong đó quy hoạch hệ thống lọc chiếm 10% tổng diện tích đầm nuôi. Kết cấu hệ thống lọc ông trồng cỏ nước mặn, dựa vào cơ chế quang hợp tự nhiên của cỏ để hấp thu khí độc trong nước, loại bỏ toàn bộ các chất lơ lửng, bào tử giáp xác, tảo độc gây hại cho tôm nuôi. Bãi cỏ lọc nước ông ngăn ra thành nhiều ô nhỏ, sau đó bơm nước đáy mương lên, nước chảy qua bãi lọc ở trạng thái nước mặt tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời để tiêu diệt các vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Bể lọc quy hoạch có chiều dài đảm bảo từ 200m trở lên.
Phương pháp lọc rất đơn giản: Dùng máy bơm nước đáy mương cho chảy lên bể lọc ở đầu A và tháo nước ra ở đầu B; Đầm nuôi có diện tích từ 10.000 m3 nước trở lại, sử dụng máy bơm có công sức 10 HP là đạt yêu cầu. Ở đầm nuôi có diện tích lớn thì dùng 2 máy bơm nước.
Ưu điểm của mô hình: Người nuôi tôm tự lọc nước dơ bẩn trong đầm thành nước sạch mà không thông qua bể lắng, không sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, thuốc kháng sinh, áp dụng tốt cho môi trường nuôi khép kín, ít thay nước. Áp dụng tốt cho tất cả các mô hình từ nuôi quảng canh đến quảng canh cải tiến, nuôi chuyên canh mật độ cao.
Mô hình này có tính an toàn cao, tôm ít có mầm bệnh, người nuôi dễ điều tiết năng suất, không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước bên ngoài. Nhờ vào sự bền vững đó mà gia đình ông có mức thu nhập hàng năm bình quân là 300 triệu đồng, đáp ứng cơ bản mức sống của 5 thành viên trong gia đình.
Không chỉ dừng lại ở những phát minh những sáng kiến của mình mà còn tích cực vận động tập thể cán bộ hội viên, nông dân làm đường đất trên 2.000m đạt chuẩn theo quy định của nhà nước; thường xuyên xây dựng mô hình phát triển kinh tế, huy động đồng vốn giúp nhau trên 100 triệu đồng; tạo công ăn việc làm thường xuyên hàng năm trên 20 lao động, tăng thu nhập cho gia đình…
Năm 2013, ông đạt giải khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật do Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức với đề tài nghiên cứu là “Nuôi tôm theo phương pháp lọc sinh học”. Với những thành tích đã đạt được, ông còn được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành ở địa phương./.