BA VÙNG NUÔI TRỒNG TIỀM NĂNG
Theo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tuy An, địa phương này có ba vùng tiềm năng có thể phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản nước mặn. Khu vực biển thuộc hòn Lao Mái Nhà (xã An Hải) là một trong ba vùng tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản. Cách thôn Phước Đồng chừng 10 phút thuyền máy, vùng biển Lao Mái Nhà là vùng nước nông kín gió, khá thuận lợi cho việc nuôi trồng các loài thủy sản nước mặn. Khai thác lợi thế này, từ năm 2007 đến nay, Công ty TNHH An Hải, 100% vốn của Nga, đã đầu tư tại đây dự án nuôi cá bóp thương phẩm xuất khẩu từ nguồn con giống du nhập. Hiện nay công ty này đang chuyển sang giai đoạn thứ hai là sản xuất con giống cá bóp tại chỗ để phục vụ nuôi thương phẩm, với hy vọng sẽ thu được lợi nhuận cao.
Ba năm nay, người dân An Hải phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản gần khu vực Lao Mái Nhà, chủ yếu là nuôi tôm hùm giống. Nhiều hộ đã có được khoản lợi từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng từ việc ươm nuôi tôm hùm giống ở vùng biển Lao Mái Nhà. Tính riêng trong những tháng đầu năm 2009, khoảng 120.000 con tôm hùm giống đã được người dân An Hải cung cấp ra thị trường. Ông Nguyễn Kim Đồng, một người dân chuyên nuôi tôm hùm giống tại khu vực biển Lao Mái Nhà, cho biết: "Nghề nuôi tôm hùm giống tại đây đang phát triển mạnh. Thuận lợi nhất là vùng này nước trong sạch quanh năm, không bị ô nhiễm. Hơn thế, con giống được chúng tôi khai thác tại đây, chúng sống quen với môi trường, nên phát triển rất nhanh".
Khu vực thứ hai có khả năng phát triển nuôi trồng hải sản ở huyện Tuy An là Hòn Chùa. Không chỉ nuôi tôm hùm giống, 5 năm trở lại đây, người dân thả nuôi 100-200 lồng tôm hùm thương phẩm tại khu vực này và đều cho kết quả khả quan.
Vùng nước lợ cuối đầm Ô Loan, thuộc thôn 7, thôn 8 (xã An Ninh Đông) và thôn Tân Quy (xã An Hải) cũng là khu vực có khả năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn ở Tuy An. Nhiều năm qua, tận dụng diện tích mặt nước có độ mặn cao ở vùng cửa sông, mỗi năm nhân dân hai xã trên thả nuôi hàng trăm lồng cá mú. Những năm cá mú được giá, bà con đều thu lãi cao.
NHỮNG KHÓ KHĂN CẦN SỚM GIẢI QUYẾT
Tuy nhiên khó khăn lớn nhất đặt ra cho khu vực biển Lao Mái Nhà và Hòn Chùa là chưa có quy hoạch nuôi trồng hải sản một cách chi tiết. Muốn phát triển nuôi trồng, điều kiện cần là phải có phân vùng diện tích mặt nước để tránh tranh chấp giữa nuôi trồng và đánh bắt, đồng thời tránh tình trạng tự phát triển nuôi một cách ồ ạt, ảnh hưởng đến môi trường. Ông Nguyễn Kim Đồng nói: Người dân có tâm lý cho rằng biển chung nên khi triển khai nuôi trồng, chúng tôi rất khó bảo vệ tài sản của mình. Tàu thuyền đánh bắt vẫn ngang nhiên xâm phạm vì chủ tàu cho rằng đây cũng là vùng biển họ khai thác lâu nay, vì vậy tranh chấp xảy ra thường xuyên. Do vậy, dù muốn đầu tư lớn, chúng tôi cũng không dám "đổ tiền xuống biến".
Còn nghề nuôi cá mú ở đầm Ô Loan hai năm gần đây liên tiếp bị thiệt hại do cửa bị cạn, gây ra tình trạng ngọt hóa. Ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, nói: "Cửa An Hải bị cạn là nỗi lo thường trực của người dân nuôi trồng thủy sản ở khu vực đầm Ô Loan. Hàng năm, cứ sau những trận mưa lớn, ngư dân đứng ngồi không yên. Nước ngọt trên nguồn xuống ào ạt, trong khi cửa không thoát được, làm ngọt hóa cả đầm. Năm nào bà con nuôi trồng thủy sản khu vực này cũng thiệt hại tiền tỉ. Mà cá mú chết liên tục hai năm qua là hậu quả của tình trạng này. Không những thế cả mặt đầm đều bị xáo trộn, tàu bè mắc cạn thường xuyên khi ra vào bến. Do vậy muốn phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng cửa biển này, ngành chức năng phải có giải pháp chỉnh trị cửa An Hải một cách bền vững và giải quyết vấn đề môi trường vùng cửa sông".
Bên cạnh đó, việc thiếu cán bộ chuyên trách về thú y thủy sản, chưa có quy chế vùng nuôi và tình trạng mạnh ai nấy làm cũng gây khó khăn không nhỏ trong công tác phòng tránh dịch bệnh thủy sản tại địa phương. Ông Nguyễn Kim Long, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông cho rằng, ngoài các biện pháp về quy hoạch, chỉnh trị cửa sông, thì bổ sung đủ cán bộ chuyên môn kịp thời hỗ trợ nhân dân khi có sự cố cũng cần phải tính đến. "Tuy An không có cán bộ chuyên trách về thú y thủy sản trong thời gian dài nên ngay cả vùng nuôi nước lợ cũng khó giải quyết chứ chưa nói đến nuôi thủy sản nước mặn. Trong tương lai, nếu muốn ổn định bền vững nghề nuôi trồng thủy sản, từng xã phải thành lập được các chi hội nuôi trồng thủy sản và thực hiện nghiêm quản lý theo cộng đồng dưới sự giám sát của chính quyền địa phương" - ông Long đề xuất.
Ông Biện Minh Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Phú Yên:
Về quy hoạch vùng nuôi thủy sản nước mặn tại Tuy An, trước đây khi thực hiện cấp phép đầu tư cho Công ty TNHH An Hải, UBND huyện Tuy An đã có một quy hoạch cấp huyện phục vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn ở khu vực cửa biển An Hải và Lao Mái Nhà. Trên cơ sở này, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp phép cho Công ty TNHH An Hải gần 200ha để triển khai nuôi cá bóp xuất khẩu tại khu vực này. Tuy nhiên, đến nay huyện chưa cấp phép cho dân nuôi trồng thủy sản tại đây. Muốn ổn định và phát triển nuôi trồng thủy sản nước mặn ở khu vực Lao Mái Nhà nhất thiết phải cấp phép nuôi trồng cho người dân. Trách nhiệm này thuộc về các xã và UBND huyện Tuy An.
Khu vực biển Hòn Chùa cũng là vùng có tiềm năng để phát triển nuôi trồng một số loài thủy sản nước mặn. Thực tế hiện nay dân cũng tự phát nuôi khá nhiều và có hiệu quả cao. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ mới có quy hoạch cho du lịch mà chưa có quy hoạch chi tiết về nuôi trồng thủy sản tại Hòn Chùa. Trong tương lai nếu không có sự chồng chéo giữa các vùng khai thác du lịch và vùng phát triển nuôi trồng, Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn sẽ tham mưu UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với huyện Tuy An để xây dựng quy hoạch nuôi trồng cho khu vực biển Hòn Chùa. Có như vậy thì nuôi trồng thủy sản nước mặn ở huyện Tuy An sẽ có cơ hội phát triển.