00:00 Số lượt truy cập: 3076959

Ồ ạt hái cà phê non: Lại "bốc hơi" hàng trăm triệu USD 

Được đăng : 03/11/2016

Đi khắp các ngả đường ở Tây Nguyên, hơn 1 triệu nông dân vùng đất đỏ lồng lộng nắng gió đang hối hả thu hoạch cà phê vụ mới với tràn trề hy vọng. Tuy nhiên, điều đáng nói, việc người dân vẫn duy trì thói quen ồ ạt tuốt cả trái xanh lẫn chín khiến ngành cà phê VN tổn thất hàng trăm triệu USD…


 

VÌ SỢ… TRỘM, CƯỚP

Trong khu đất trống trải bạt rộng chừng 2.000 m2 chứa đầy cà phê phơi, hai cha con anh Hoàng Anh Dũng (đường Nguyễn Văn Cừ, xã Lộc Thanh, huyện Bảo Lộc- Lâm Đồng) đang hì hụi hốt từng thúng cà phê khô đổ vào chiếc máy tách hạt chạy bằng dầu diezen nổ chói tai. Bốc nắm cà phê sau tách, anh Dũng lắc đầu, nhăn mặt tỏ vẻ không hài lòng vì có rất nhiều hạt bị bể dập. Chắc máy hư?- tôi hỏi. “Chẳng phải, do quả xanh nhiều quá thôi” – anh Dũng ca thán rồi chỉ đống cà phê trên sân đã trải qua 3 ngày phơi nắng gắt, nói: “Có tới 50% là cà phê non đấy. Biết làm vậy là thiệt, nhưng chú ạ, xanh nhà còn hơn già đồng, nếu thu hoạch chậm có ngày tôi… đổ nợ”.

Chuyện là thế này, cứ mỗi khi vào vụ cà phê mới (tháng 10), cả nhà anh lại mất ăn mất ngủ vì hơn 2 ha cà phê luôn bị bọn trộm nhòm ngó. “Chúng tổ chức thành từng nhóm, phân công người thị sát, cảnh giới rất bài bản trước khi vào hái trộm của dân. Cách đây mấy ngày, nhờ thuê người phục kích chúng tôi đã tóm được 2 tên ngay trong rẫy gần nhà” – anh Dũng nói. Chuyện này cũng diễn ra với rẫy cà phê rộng 1,5 ha của anh Trần Đức Khải (thôn Thanh Xuân 1, xã Lộc Thanh). Anh Khải cho biết, do nhiều cây đã cho quả bói (trong một chùm chỉ có ít quả chín) nên anh đành “nhắm mắt” hái tuốt tuột từ trên xuống dưới để ngừa những nhóm “siêu trộm”. Cũng chính vì nỗi lo này mà hơn 1 tấn cà phê của vợ chồng anh Khải đang phơi la liệt ngay trên con đường đất đỏ trước cửa nhà, có tới hơn phân nửa là quả xanh, hạt nhỏ không đạt chuẩn.

Anh Hoàng Anh Dũng cho biết, gia đình anh đã từng bị cướp hơn chục bao cà phê dù để ngay trong sân nhà. “Tờ mờ sáng hôm đó tôi giật mình tỉnh giấc sau khi nghe tiếng xe máy nổ to ngoài sân, đến khi bật dậy lao ra thì thấy hai chiếc xe máy chở hai thanh niên mặt mày bặm trợn phóng vọt đi. Sau đó đếm lại số cà phê để ngoài sân, tôi điếng người khi thấy hơn chục bao đã không cánh mà bay” – anh Dũng rầu rĩ nói.
Không chỉ bị trộm, nhiều hộ dân còn bị cướp cà phê trắng trợn ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Ông Nguyễn Văn Nhân (ấp 4, xã Lộc Phát) bức xúc cho biết, vườn cà phê của ông và nhiều hộ dân xa khu dân cư liên tục bị nhiều nhóm thanh niên nhảy bổ vào vác từng bao cà phê rồi bỏ chạy. Manh động hơn, những đối tượng này mò vào tận sân phơi, nơi dân cư đông đúc để trộm, cướp. Nhiều kẻ còn cầm dao vào uy hiếp dân. “Chẳng ai dám đuổi theo chúng vì sợ mất mạng” – ông Nhân nói. Trước tình hình này, nhiều chủ vườn phải thuê thanh niên trong xóm ra canh vườn, đồng thời tranh thủ hái hết quả xanh lẫn chín của những cây cho bói. 

60-80% CÀ PHÊ BỊ LOẠI LÀ CỦA VN

Theo ông Đoàn Triệu Nhạn – Chuyên gia cao cấp của Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa), ngoài lý do khách quan là nạn hái trộm đang hoành hành, chính người trồng cà phê đang tự tay kéo tụt chất lượng mặt hàng của mình. “Người dân sợ thu hoạch nhiều lần sẽ làm tăng chi phí khi giá nhân công ngày càng khan hiếm, đắt đỏ; hơn nữa nó cũng đã trở thành một thói quen xấu từ hàng chục năm nay và không dễ gì nông dân từ bỏ được” – ông Nhạn nói.

Thực tế trên đang làm cho việc chế biến cà phê rất gian nan. Đến công đoạn phơi, do không đủ diện tích dẫn đến phơi dày, ủ đống, phơi trên sân đất làm cho cà phê khô không đồng đều, dễ bị mốc, nhiều tạp chất. Hầu hết cà phê Robusta không được chế biến ướt, chỉ áp dụng theo phương pháp cổ truyền: phơi khô, xát vỏ nên màu sắc không đẹp, nhiều hạt bị dập, vỡ....

Theo Cty Giám định hàng nông sản Cafecontrol, thu hoạch sớm khi trái vẫn còn đang tiếp tục lớn sẽ làm hạt teo lại, da nhăn nheo, kích thước nhỏ, tỉ trọng nhẹ; vỏ lụa dính chặt vào nhân rất khó đánh bóng sạch; hạt nhân màu tối, thậm chí đen. Sau khi rang những hạt cà phê non thường có màu vàng và thường có mùi khó chịu. Tất cả các yếu tố đó làm giảm chất lượng của hạt cà phê, trở thành “lỗi” để nhà nhập khẩu cà phê bắt bẻ và bị coi là tạp chất.

Hậu quả là, liên tục trong nhiều năm trở lại đây, VN luôn đứng số 1 về tỷ lệ cà phê bị… loại thải trên toàn thế giới. Hiện trung bình mỗi năm có khoảng 500.000 – 700.000 bao cà phê bị loại thải (không đạt tiêu chuẩn quốc tế) trên toàn cầu, trong đó riêng VN “ôm” từ 60 – 80%! Tình hình trên cũng khớp với thực tế mà Bộ NN-PTNT cảnh báo: Việc thu hái non cà phê của người dân đã làm giảm gần 30% sản lượng, tức mỗi năm ngành cà phê VN mất đi vài trăm triệu USD!

Theo ông Nhạn, oái oăm nhất là thu hái xanh vẫn có người mua, vì thế lỗi này có cả phần của các DNXK cà phê. Ngoài ra từ lâu nay, các địa phương chỉ lo phát triển diện tích mà không chú trọng nhiều việc hướng dẫn cho nông dân cách thu hái, cũng như qui trình bảo quản sau thu hoạch để làm tăng khả năng cạnh tranh và giá trị. Để thay đổi, các DN đã đến lúc phải thống nhất áp dụng một bộ tiêu chuẩn khi mua, kiên quyết không mua cà phê không đạt chuẩn; đồng thời nên ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá mua phù hợp để kích thích nông dân hái chín, chất lượng cao.

Vấn nạn này cũng đang rất cần một giải pháp chung, chỉ đạo chung và sự phối hợp quyết liệt của các cơ quan chức năng để sớm giành lại hàng trăm triệu USD “bốc hơi” hàng năm cho ngành cà phê VN.

Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Vicofa: CHÚNG TA TỰ LÀM GIẢM UY TÍN CHÍNH MÌNH!

Theo nghiên cứu của chúng tôi, trung bình nếu hái cà phê non phải 5 quả tươi mới thu được 1 quả khô, trong khi đó nếu hái chín thì tỷ lệ chỉ còn 4 thu 1. Chính vì người dân ồ ạt hái quả non nên mỗi năm VN mất trắng hàng trăm nghìn tấn, đồng thời ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hàng XK. Tôi khẳng định chúng ta đang tự tay làm giảm giá trị hạt cà phê và tự làm giảm uy tín của chính mình. Vì thế, các DNXK cà phê phải có thái độ rõ ràng về vấn đề này bằng cách hạn chế mua cà phê non, đồng thời tổ chức đưa các trạm thu mua của mình xuống tận các tỉnh, huyện để tránh mua cà phê hỗn tạp từ các đại lý trung gian.

Ông Đỗ Văn Nam – TGĐ TCty Cà phê VN: RA NGHỊ QUYẾT KHÔNG MUA CÀ PHÊ NON

Tôi thấy ở nhiều địa phương và các đơn vị kinh doanh cà phê đang làm khá quyết liệt để giảm tình trạng thu hái non, đặc biệt là ở một số huyện của tỉnh Đăk Lăk. Tuy nhiên, do các đại lý thu mua cà phê bất chấp quy định, ồ ạt mua xô, bán xô, còn người dân thấy được giá thì tranh thủ thu hoạch, bất chấp quả xanh hay chín mới dẫn đến tình trạng này.

Tôi khẳng định nếu hái non thì người trồng sẽ bị thiệt hại từ 15 – 20% giá trị, vì thế nông dân nên tập trung hái chín và bán trực tiếp cho các nhà máy trong vùng. Riêng TCty Cà phê VN đã có nghị quyết không thu mua cà phê non để khuyến khích người dân hái chín, từ đó nâng cao chất lượng, giá trị và uy tín cho ngành cà phê VN.

 Ông Nguyễn Văn An – Chủ tịch Tập đoàn Cà phê Thái Hòa: HÁI CHÍN SẼ TĂNG THÊM 400 USD/TẤN

Vừa rồi chúng tôi khảo sát thấy rằng, nếu hái cà phê xanh thì phải 1.100 quả mới được 1 kg, còn hái chín thì tỷ lệ giảm xuống chỉ 800 quả. Chúng ta đang tự làm giảm đi giá trị thặng dư khổng lồ lên đến hàng trăm triệu USD/năm trong khi thực lực chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi được. Xin đơn cử tại Tập đoàn Thái Hòa, do sản phẩm cà phê gần như 100% được thu hái chín nên sản lượng, chất lượng và giá trị gia tăng rất cao.

Hiện tại, mỗi tấn cà phê của chúng tôi giao dịch tại sàn London đều được bán dương 400 USD (+ 400 USD/tấn) và tương lai có thể sẽ tăng tới + 600 USD/tấn.

 Ông Nguyễn Nam Hải – TGĐ Cty Giám định Cafecontrol: PHẢI ĐƯA NÔNG DÂN VÀO TỔ CHỨC, SX TẬP TRUNG

Qua giám định chất lượng cà phê chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ cà phê xanh hái trong dân lên tới 30 – 40%. Ngày trước chúng ta chủ yếu chế biến ướt nên loại được cà phê xanh; nhưng giờ chủ yếu là chế biến khô nên hạt xanh hay chín đều được xử lý hết. Có tình trạng này cũng vì sản xuất của ta manh mún, nhỏ lẻ, người dân lo sợ đủ thứ như trộm cướp, dịch bệnh, nhân công nên luôn mang tâm lý tranh thủ mỗi khi mùa vụ đến.

Vì thế, muốn thay đổi thì trước hết phải tìm cách đưa nông dân vào tổ chức, sản xuất tập trung, quy mô lớn. Điều này còn phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, của các ban ngành và từng địa phương có cây cà phê. Nếu chính sách đúng, làm quyết liệt thì chắc chắn sẽ có sự thay đổi…