00:00 Số lượt truy cập: 3084557

Ô nhiễm, bức xúc làng nghề 

Được đăng : 03/11/2016
Gánh trên vai trọng trách phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, các làng nghề đã hoàn thành nhiệm vụ đó. Thế nhưng đằng sau sự đóng góp đó lại là cả câu chuyện dài về ô nhiễm môi trường.

Cán đúc sắt đã trở thành nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở Đa Hội.

Làng nghề, đồng nghĩa với ô nhiễm

Nổi tiếng với nghề đúc, luyện sắt thép, 400 năm qua, làng Đa Hội, phường Châu Khê (Từ Sơn - Bắc Ninh) đã trở thành đại công trường. Đến Đa Hội bây giờ, người ta không còn thấy cảnh yên ả, trong lành của một làng quê, thay vào đó là sự ồn ào, náo nhiệt.

Hiện, Đa Hội có khoảng 900 cơ sở đúc phôi, cán thép, mạ, làm đinh, đan lưới thép... Sản lượng các loại sắt thép đạt gần 1.000 tấn/ngày. Số lao động làm việc trong làng nghề lên đến 10.000 người. Đặc điểm của nghề đúc cán sắt là sử dụng nguyên liệu sắt, thép phế liệu, sau khi cho vào lò, sẽ đúc thành các thanh sắt dài ngắn khác nhau... Cùng với quá trình này là việc các lò xả một lượng lớn khói, bụi ra môi trường mà không qua hệ thống xử lý. Ngoài sức nóng, một trong những “đặc sản” ở Đa Hội chính là tiếng ồn.

Mỗi ngày, Đa Hội xả khoảng 15.000m3 nước thải ra sông. Nước ở đây chứa hàm lượng lớn chất rắn, ion kim loại sắt, đồng, crôm, nitơ...

Tiếng là quê nhưng đường làng Đa Hội toàn những ổ trâu, ổ voi. Anh Trần Văn Tuyển, Trưởng thôn Đa Hội cho biết, đường làng được tu sửa thường xuyên nhưng không thể chịu được sức nặng của sắt thép, xe tải... “Trời nắng thì không khí oi nồng, bức bối bụi, khói và ồn; còn trời mưa thì kinh khủng... Dẫu biết rằng, việc sản xuất, kinh doanh của các gia đình gây ra nhiều hệ lụy nhưng vì cuộc sống mọi người cũng đành liều”, anh Tuyển nói.

Đa Hội chỉ là một trong hàng nghìn làng nghề đang gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các làng nghề hiện có ba loại hình ô nhiễm, đó là ô nhiễm không khí, nguồn nước và đất bởi chất thải rắn. Tại hầu hết các làng nghề, các chỉ tiêu như: BOD, COD đều lớn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn cho phép.

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề thấp hơn 5 - 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc. Bên cạnh đó, làng nghề cũng đã kéo theo các bệnh phổ biến như bệnh ngoài da, viêm niêm mạc gây nấm, bệnh về đường tiêu hoá, hô hấp, thần kinh, thậm chí là cả ung thư. Ô nhiễm làng nghề còn nảy sinh xung đột môi trường giữa người làm nghề và không làm nghề.

Khó xử lý vì không rõ trách nhiệm

Trước sự gia tăng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, nhiều cơ quan, đơn vị vào cuộc khảo sát, kiểm tra, báo cáo... nhưng hình như đâu vẫn đấy. Nguyên nhân có nhiều nhưng theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, lý do chính là chức năng nhiệm vụ của tổ chức quản lý môi trường làng nghề chưa rõ ràng; thiếu các quy định pháp luật đặc thù cho bảo vệ môi trường làng nghề; quy hoạch không gắn với bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm lan rộng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tỏ ra bất lực trong công tác thu các loại phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, xử phạt hành chính chưa được thực hiện nghiêm. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra, quan trắc còn yếu kém. Việc huy động nguồn nhân lực, tài chính trong bảo vệ môi trường làng nghề còn thiếu và chưa phát huy được nguồn lực xã hội.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, phải có thời gian và cần sự vào cuộc của nhiều bên. Tuy nhiên, trước mắt, vẫn phải đặt vấn đề tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ở các làng nghề. Trong đó, quản lý cấp xã làm nòng cốt trong hệ thống quản lý môi trường, giáo dục nâng cao hiểu biết cho người dân làng nghề để họ nhận thấy cái giá phải trả do ô nhiễm môi trường đắt gấp nhiều lần so với lợi nhuận kinh tế. Ngoài ra, các làng nghề cũng cần phải tiếp cận những giải pháp kỹ thuật, công nghệ sản xuất sạch hơn nhằm phòng ngừa phát sinh chất thải. Căn cứ vào quy mô các làng nghề có thể quy hoạch tập trung theo cụm công nghiệp nhỏ để cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường.