Năm 2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 22/2008/QĐ-UBND, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển nghề, làng nghề. Theo quyết định, thành phố sẽ hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nghề, 100% kinh phí tổ chức đào tạo lãnh đạo và quản lý doanh nghiệp, kinh phí áp dụng hệ thống ISO, 70% kinh phí phát triển thương hiệu, 100% kinh phí thuê gian hàng tại hội chợ, triển lãm…
"Nhất cận thị, nhị cận giang" là yêu cầu lựa chọn hàng đầu của nhiều làng nghề truyền thống, sự lựa chọn này không chỉ cho việc mua bán vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa, mà còn thuận lợi cho việc sử dụng nguồn nước để sản xuất, thoát nước thải. Nhưng chính sự bất cẩn của con người đã làm cho những dòng sông chết mòn. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thủ phạm góp phần giết dần các dòng sông là khu công nghiệp, doanh nghiệp và làng nghề.
Tác động từ làng nghề đến các dòng sông đặc trưng nhất là lưu vực sông Nhuệ - Đáy và sông Ngũ Huyện Khê. Trong lưu vực sông Nhuệ - Đáy có 450 làng nghề thì trên địa bàn Hà Nội đã có 132, trong đó có nhiều làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, dệt nhuộm, cơ khí, mỹ nghệ... Cụm chế biến nông sản thực phẩm lâu đời, trọng điểm là các làng nghề ở Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế (huyện Hoài Đức), chuyên sản xuất chế biến tinh bột, miến, bún khô, mạch nha, từ nguyên liệu củ dong riềng và sắn, trình độ sản xuất thủ công và bán thủ công. Lượng nước sử dụng trong quá trình sản xuất để được 1 tấn tinh bột, với dong là 52m3, với sắn là 12m3. Đặc trưng nước thải sản xuất tinh bột có độ PH cao, so với tiêu chuẩn cho phép (TCCP), giá trị BOD vượt 56 lần, COD vượt 93 lần. Các làng nghề làm bún, bánh khô BOD cũng gấp 48 lần, COD gấp 107 lần TCCP. Tất cả lượng nước thải này đổ vào kênh mương, những mảng sình đen ngòm nổi lên, bốc mùi hôi thối, lan truyền dịch bệnh ảnh hưởng sức khỏe nhân dân trước khi đổ vào sông Đáy.
Cụm làng nghề dệt nhuộm tập trung ven quận Hà Đông: lụa Vạn Phúc, Xí nghiệp Len, nhuộm in hoa Hà Đông. Sản phẩm chính là các mặt hàng từ tơ tằm sản xuất thủ công và bán thủ công, sản lượng hàng năm 2,5 triệu mét. Quy trình sản xuất sử dụng nhiều than đá, dầu mỡ, thuốc nhuộm, hóa chất và nước. Hằng ngày Vạn Phúc thải ra khoảng 1.000m3 nước thải, chứa các tạp chất tự nhiên tách ra từ vải sợi, chất bẩn, dầu, hợp chất chứa nitơ, péctin, hồ tinh bột, NaOH, H2SO4, HC… các loại thuốc nhuộm, hóa chất trơ. Khoảng 30% thuốc nhuộm và 85-90% hóa chất nằm lại trong nước thải chảy vào kênh mương và đổ trực tiếp ra sông Nhuệ. Cụm làng nghề chế biến tơ sợi dệt nhuộm và tái chế nhựa Triều Khúc đang là trọng điểm gây ô nhiễm nguồn nước. Môi trường nước ở đây ô nhiễm nặng, các chất đều vượt TCCP, COD 16 lần, SS 57 lần, BOD 124 lần. Đặc biệt nước thải còn tồn dư nhiều chất tẩy trắng (javen) có tính ôxy hóa mạnh. Nước thải từ tái chế nhựa chứa các chất bẩn bám vào nguyên liệu như cặn, dầu, mỡ, chất tẩy rửa, tất cả qua hệ thống mương đổ vào sông Nhuệ. Làng bún Phú Đô, cả năm sản xuất khoảng 2.100 tấn, mỗi tấn bún thải 10m3 nước. Làng bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh, lượng nước thải 900-1.200 m3/ngày. Ở các làng này nước thải đều có hàm lượng BOD và COD rất cao. Hai làng nghề thủ công mỹ nghệ đáng chú ý là làng nghề lược sừng Thụy Ứng và làng tạc tượng Sơn Đồng, nước thải không nhiều nhưng có lắm tạp chất. Đặc biệt, làng nghề Thụy Ứng có nghề sản xuất da từ da trâu, bò nên lượng muối trong nước thải cao, lại rất hôi.
Dòng sông nhỏ Ngũ Huyện Khê, nằm ở phía Đông bắc Hà Nội đang chết mòn do phải chở dòng nước thải của 5 làng nghề: tái chế kim loại Đa Hội, tái chế nhôm chì Văn Môn, sản xuất và tái chế giấy Phú Lâm và Phong Khê, sản xuất đồ gỗ Đồng Kỵ. Công nghệ sản xuất và tái chế giấy có lượng nước thải 120.000 m3/năm, có lẫn nhiều chất thải rắn. Làng nghề tái chế kim loại, nhôm chì sử dụng nhiều than, củi, dầu FO, lượng chất thải theo nguồn nước có nhiều tạp chất và ion kim loại, riêng thép vượt TCCP tới 93 lần, Zn 4,7 lần, dầu mỡ 2,77 lần, Pb vượt 24 lần… Nước thải chảy vào mương đổ vào làm cho dòng sông trở nên đen kịt, đặc quánh trước khi đổ vào sông Cầu.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống sông Nhuê - Đáy có 700 nguồn nước thải đổ vào với khối lượng 800.000 m3 ngày. Để khắc phục mức độ ô nhiễm, thành phố chỉ đạo các địa phương khử trùng tiêu độc môi trường các xã nơi sông Nhuệ, Đáy chảy qua. Tập trung vốn, điều chỉnh từ kinh phí cải tạo tu bổ đê kè, trạm bơm, chủ động đầu tư cải tạo, nạo vét, làm sạch kênh mương và các con sông chính, thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ hạn chế cấp phép đầu tư đối với 5 loại hình cụm công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm tới sông Nhuệ - Đáy gồm sản xuất tinh bột, sản xuất hóa chất cơ bản, nhuộm, thuộc da, sản xuất bột giấy. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường sông Nhuệ - Đáy đến năm 2020, có 12 dự án ưu tiên với khoảng 3.335 tỷ đồng được huy động từ ngân sách. Cứu các dòng sông bằng xử lý môi trường làng nghề là yêu cầu thiết thực để phát triển KT-XH bền vững.
Giải pháp nào để cứu những dòng sông ? Trước tình trạng ô nhiễm nặng nề trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020" với quan điểm giải quyết vấn đề ô nhiễm và bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy là vấn đề lớn, là nhiệm vụ của cả 6 tỉnh, TP trên lưu vực, có sự hỗ trợ đầu tư của Chính phủ, các bộ, ngành. Trong đó, một trong những mục tiêu cụ thể của đề án này đến năm 2010 là các cơ sở sản, xuất kinh doanh đang hoạt động trên lưu vực sông phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; bắt buộc 100% các cơ sở mới đầu tư xây dựng phải có các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. |