Nhiều khách sạn, nhà hàng trong T.P Thái Nguyên, nhất là các quán lẩu bên trục đường Minh Cầu, cánh đầu bếp đều gọi ông là Hằng nấm. Không tự ái, ông còn thấy vui và coi đây như một thương hiệu người tiêu dùng "đóng nhãn" cho mình.
Ông mau mải vào buồng trong lấy cho tôi xem tấm giấy chứng nhận đã qua lớp đào tạo trồng nấm, thuộc Dự án xây dựng mô hình sản xuất nấm hàng hoá, do Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Thái Nguyên cấp năm 2005. Ông cho biết: Tham gia Dự án này, tôi đầu tư 25 triệu đồng để xây dựng 180 m2 nhà xưởng trồng nấm, trong đó Dự án hỗ trợ 800.000 đồng. Cũng bắt đầu từ năm này, mỗi năm gia đình tôi sử dụng hết 12 tấn nguyên liệu rơm, mùn cưa cho việc trồng các loại nấm. Do tuân thủ tuyệt đối các quy trình như việc thanh trùng nguyên liệu, khâu cấy giống, dụng cụ, phòng cấy, bốc cấy giống nấm… nên chưa bao giờ nấm của nhà ra… nấm dại. 3 năm gần đây, mỗi năm gia đình tôi có 3,5 tấn nấm, mộc nhĩ các loại xuất bán ra thị trường. Tiền bán nấm năm 2005 thu được 35 triệu đồng; năm 2006 thu được 38 triệu đồng; năm 2007 thu được hơn 40 triệu đồng, dự kiến năm 2008 tiền thu được từ trồng nấm đạt trên 50 triệu đồng.
Ông Hằng tâm đắc: Riêng nấm linh chi mỗi năm gia đình làm 4 tấn nguyên liệu, cho ra 1,5 tạ sản phẩm khô. Đầu năm nay, gia đình tôi đã thu được 40 kg nấm linh chi khô, bán chỗ quen biết được hơn 400.000 đồng/kg.
Với gia đình ông Hằng, trồng nấm 10 năm vẫn là nghề mới, bởi trong nhà nghề truyền thống phải kể là trồng cây lúa, gieo hạt rau, nuôi con lợn. Trung bình mỗi năm gia đình ông thu hoạch được 2 tấn lúa, 25 triệu đồng tiền bán rau xanh và 1 tấn lợn móc hàm, chưa kể nghề làm tương do bà Nguyễn Thị Nhàn-vợ ông căm cắm ngâm, ủ, đóng chai cung cấp mỗi năm vài nghìn lít cho người tiêu dùng. Song, ở T.P Thái Nguyên, mọi người biết ông chủ yếu từ nghề trồng nấm. Không đơn thuần do ông trồng nhiều nấm, mà ông còn đi vận động nhiều nông hộ quanh vùng tranh thủ lao động dôi dư tham gia trồng nấm. Điểm nổi bật là ông đã tự mở được 2 lớp tấp huấn trồng nấm cho 60 nông dân mà không đòi hỏi lệ phí. Nhiều bà con coi ông là "chuyên gia nấm", đến tận nhà học hỏi, mời về thiết kế nhà xưởng, cách trồng, cách thu hái nấm và đã xoá được nghèo. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Suốt, tổ 21, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên, do nhà đông người, thiếu đất sản xuất, ông Hằng đến tận nhà hướng dẫn trồng nấm sò, nấm rơm. Từ 5 năm nay gia đình ông Suốt đã thực hành thành công mỗi năm từ 5 đến 6 tấn nguyên liệu nấm các loại, nhờ đó đã thoát được nghèo.
Kéo tôi lên gác 2, ông Hằng cho xem sản phẩm nấm linh chi đã phơi khô đang đóng gói. Ông hào hứng: Sau này tôi sẽ mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất nấm. Đồng thời hướng dẫn cho bà con quanh vùng cùng trồng nấm, chỉ có như thế mới tạo được vùng hàng hoá, tạo được thương hiệu "linh chi nấm Thái Nguyên".