00:00 Số lượt truy cập: 3193551

Ông Thiết “có gan làm giàu” 

Được đăng : 03/11/2016

Đến xã Quảng La (huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh) mà hỏi mô hình trang trại nào lớn nhất, chắc chắn những người dân nơi đây sẽ chỉ ngay đến địa chỉ nhà ông Nguyễn Văn Thiết, Hội trưởng Hội Chăn nuôi của xã...


Với diện tích đất hơn 3 ha, ông Thiết đã gây dựng cho mình một trang trại có quy mô khá lớn, chuyên để nuôi các loài động vật hoang dã. Ông Thiết kể, đầu năm 2008, ông đã lặn lội lên tận chợ trên Thái Nguyên mua về hai cặp lợn rừng giống, với giá 30 triệu đồng để “quyết chí làm giàu”... Không phụ lòng trông mong của ông, từ chỗ chỉ có 4 con, đàn lợn rừng của gia đình ông Thiết sinh sôi rất nhanh, đến thời điểm cao nhất, trong khu trại có tới 200 con. Từ đó đến nay, ông đã bán đi hàng chục cặp lợn rừng, vừa lợn thịt vừa lợn giống. Cao nhất, vào dịp tết vừa rồi, gia đình ông đã xuất chuồng được gần 40 con lợn rừng. Hiện đàn lợn rừng nhà ông chỉ còn khoảng gần 60 con…

Ông Thiết đang chăm sóc đàn lợn rừng.

Qua thực tế kinh nghiệm chăn nuôi của ông Thiết, lợn rừng là loại động vật dễ chăn, dễ nuôi, ngày chỉ cần cho ăn hai lần với các loại rau xanh như chuối, lá cây, thậm chí là bèo tấm ở dưới ao hồ ông đào ngay cạnh chuồng. Chi phí để chăn nuôi lợn rừng không lớn nhưng hiệu quả kinh tế lại không hề nhỏ. Tính theo giá thành trên thị trường hiện nay, lợn thịt có giá 200 ngàn đồng/kg và lợn giống là 260 ngàn đồng/kg, thì mô hình chăn nuôi lợn rừng mỗi năm đem lại cho gia đình ông Hội trưởng Hội Chăn nuôi xã Quảng La khoảng 200 triệu đồng...

Cùng với lợn rừng, đầu năm 2010 ông Thiết còn “bạo gan” bỏ ra 70 triệu đồng “mò” vào mãi tận Nghệ An để mua về hai cặp hươu. Ông Thiết kể: “Năm ấy, sau khi xem mô hình nuôi hươu ở trong Nghệ An trên ti vi, tôi mê lắm. Nhưng ngặt nỗi trong thôn, xã chưa có ai làm nên cũng thấy hơi sờ sợ. Thế rồi, bụng bảo dạ “có chí làm quan, có gan làm giàu” nên tôi quyết gom góp tiền đi Nghệ An mua về hai cặp hươu. Bây giờ nhìn mấy con hươu phát triển khá nhanh, không bệnh tật, lại không phải chăm sóc gì nhiều mới đỡ lo...”.

Ông Thiết còn cho biết, hươu là loại động vật hoang dã lành tính, có sức đề kháng cao, vì vậy rất dễ chăm sóc, nuôi dưỡng. Hươu rất sạch, không ăn các loại thức ăn bẩn, ôi thiu nên ít bị bệnh. Thức ăn của chúng là các loại lá cây và cỏ. Chính vì thế, hầu như thức ăn của hươu đều được ông tận dụng từ cây ăn quả cũng như rau màu trong vườn nhà nên không tốn kém lắm. Hơn nữa, chuồng trại để nuôi hươu cũng tương đối đơn giản, mỗi con chỉ cần diện tích vài mét vuông, xung quanh quây bằng lưới thép và lợp tôn che mưa nắng là được. Mỗi năm hươu sinh sản một lần và hai lần lấy nhung, mỗi lần chỉ được từ 3 - 5 lạng. Hiện nay, nhu cầu sử dụng nhung hươu trên thị trường “cung không đủ cầu” nên giá bán cũng rất cao, một lạng nhung hươu có giá bán lên tới hai triệu đồng. Nhìn đàn hươu khoẻ mạnh, hoạt bát, ông Thiết chia sẻ thêm: “Trước đây lúc bỏ cả “đống tiền” ra để mua về hai cặp hươu, tôi ngày đêm lo lắng, sợ sẽ không thành công. Nhưng giờ thì yên tâm rồi! Ngẫm lại mới thấy, quả thật muốn làm giàu thì cần phải “có gan” cô ạ. Tới đây, tôi sẽ nhân rộng mô hình nuôi hươu lấy nhung này với số lượng lớn...” .

Với sự dám nghĩ dám làm và kiến thức tích luỹ được qua thời gian chăn nuôi, ông Nguyễn Văn Thiết đã có được một mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận cao. Đồng thời, đây cũng là mô hình kinh tế điển hình cho bà con nông dân trong xã học tập...