Ông chủ của danh hiệu “Cây mía vàng Lam Sơn”
Được đăng : 03/11/2016
Theo chân cán bộ xã Thượng Ninh (Như Xuân), chúng tôi tới thăm gia đình anh Phạm Hùng Thanh, sinh năm 1953, tại thôn Đồng Ngấn. Nhìn cơ ngơi khang trang với đầy đủ trang thiết bị, tiện nghi đắt tiền của gia đình anh Thanh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nghe anh kể về hoàn cảnh gia đình trước kia.
Phạm Hùng Thanh sinh ra và lớn lên tại xã Dân Quyền, huyện Triệu Sơn. Anh xây dựng gia đình, nhưng hạnh phúc đến chưa được bao lâu thì vợ anh qua đời do bệnh ung thư, để lại cho anh gánh nặng gia đình với 3 đứa con thơ dại. Cuộc sống vốn đã khó khăn hơn, càng khó khăn khi các con anh mỗi ngày khôn lớn. Thương các con nheo nhóc, thiếu hơi ấm và sự chăm lo của người mẹ, năm 1990, anh xây dựng gia đình cùng chị Quách Thị Phương, tại thôn Đồng Ngấn, xã Thượng Ninh và định cư tại đây, với mong muốn các con có chỗ dựa tình cảm và có người chăm sóc. Bắt đầu cuộc sống mới với anh và các con không hề đơn giản, bởi nơi đây là vùng đất hoang vu, rậm rạp, chỉ có rừng cây và đồi núi. Suy nghĩ mãi, rồi anh Thanh quyết định vận động gia đình nhận 34 ha đất rừng của Lâm trường Sim để khai thác và trồng các loại cây lâm nghiệp, cây nguyên liệu. Anh đã vay 30 triệu đồng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Xuân, vay mượn thêm từ anh em bạn bè, đầu tư chăn nuôi trâu, bò, nuôi cá, trồng các loại cây ăn quả “lấy ngắn nuôi dài”. Khi đã có vốn kha khá, anh bắt đầu đầu tư trồng mía nguyên liệu cung cấp cho Công ty CP Mía đường Lam Sơn và trồng keo, quế. Vừa để thuận lợi cho việc “làm ăn” của gia đình, vừa tạo điều kiện cho bà con trong vùng cùng phát triển kinh tế, anh Thanh đã liên hệ với Công ty CP Mía đường Lam Sơn làm chủ hợp đồng cung cấp giống, phân bón và vận chuyển nguyên liệu cho 70 ha mía nguyên liệu của các hộ dân trong vùng; đồng thời làm tổ trưởng tổ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. “Đất không phụ công người”, đến nay trên mảnh đất nhận khoán gia đình anh có nguồn thu ổn định từ 5 ha mía, 7 ha đập và ao thả cá, còn lại là keo, quế, cây ăn quả đang phát triển tốt. Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ.
Niềm vui lớn nhất của anh Thanh không chỉ là nuôi các con ăn học trưởng thành, mà trong 2 niên vụ mía 2006 – 2007 và 2007 – 2008, anh được Công ty CP Mía đường Lam Sơn tặng danh hiệu “Cây mía vàng Lam Sơn”. Mới đây, anh còn được tham dự buổi gặp mặt đầu năm của Chủ tịch UBND tỉnh với các chủ trang trại phát triển kinh tế tiêu biểu của tỉnh.