00:00 Số lượt truy cập: 3084472

Phải rút quyền 

Được đăng : 03/11/2016
Nhiều đại diện doanh nghiệp và chính quyền ở ĐBSCL yêu cầu rút bớt quyền hạn của Hiệp hội Lương thực VN (VFA) để tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu gạo  

Mở đầu cuộc trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Hùng Linh, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang, thành viên HĐQT VFA, nói: "Hầu như các hoạt động điều hành của VFA đều do ông chủ tịch hiệp hội tự quyết, chúng tôi không được biết. Hiệp hội muốn đưa giá sàn lên - xuống thế nào thì đưa, việc phân bổ, ủy thác cũng tùy thích".


Vừa đá bóng vừa thổi còi


Theo ông Linh, vụ giải quyết 53.500 tấn gạo ở Kiên Giang vừa qua đã phần nào cho thấy sự tùy tiện của VFA. Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 16-4, VFA cho Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang được xuất 10.000 tấn gạo, chiều cùng ngày cho xuất 43.500 tấn còn lại nhưng phải giao hàng tại cảng ở TPHCM và ủy thác cho đơn vị khác 30% tổng số xuất. Tối 20-4, VFA lại có văn bản đồng ý cho xuất hết 53.500 tấn nhưng vẫn phải ủy thác 13.000 tấn cho 7 đơn vị; trong đó có 5 đơn vị thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam do ông Chủ tịch VFA làm tổng giám đốc. 


Ông Lê Văn Nguyên, Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang, bức xúc: "Công ty chúng tôi đã đủ điều kiện để trở thành hội viên của VFA, hồ sơ đã nộp khá lâu nhưng vẫn chưa được xem xét. Ngược lại, những hợp đồng thương mại do doanh nghiệp (DN)  tự ký với đối tác lại bị quản lý bởi khung giá của VFA vốn thường cao hơn so với thị trường nên bị đối tác "chê".


Những phiền phức trên khiến DN không định hướng được hoạt động kinh doanh của mình. Năm nay, Công ty Cổ phần Kinh doanh Nông sản Kiên Giang dự kiến xuất 150.000 tấn gạo nhưng hiện đang lúng túng vì vướng phải "rào cản" của VFA. Từ thực tế đó, nhiều chủ DN xuất khẩu gạo nêu vấn đề: VFA hãy là một tổ chức ngành nghề đúng nghĩa. Chủ tịch hiệp hội không được kiêm nhiệm chức vụ tại Tổng Công ty Lương thực miền Nam. "Vừa đá bóng vừa thổi còi" như vậy làm sao có thể cạnh tranh lành mạnh, công bằng? 


Bàn về vai trò của VFA, ông Danh Út, đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, nói: "VFA chỉ là một tổ chức hội nghề  nghiệp, tham gia quản lý Nhà nước là không hợp lý". Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bấu, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, nói: "Không nên giao cho VFA quyền "sinh sát" trong xuất khẩu gạo. Một số tỉnh lúa gạo ít nhưng vẫn được VFA ưu tiên cho xuất khẩu số lượng lớn. Một số công ty ở phía Bắc lại vào miền Nam mua gạo để xuất khẩu. Trong khi đó, Kiên Giang là tỉnh xếp thứ hai toàn quốc về sản lượng lúa (3,4 triệu tấn) thì lại bị VFA khống chế xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế địa phương".


Tiền hậu bất nhất


Hồi giữa tháng 2-2009, sau khi rà soát lại các hợp đồng xuất khẩu đã ký, lượng gạo phải giao trong 6 tháng đầu năm lên đến khoảng 3,6 triệu tấn. Theo VFA, rất khó xoay xở để giao đủ lượng gạo này, thậm chí vượt mức cân đối an ninh lương thực nếu để các DN ký thêm hợp đồng. Do đó, VFA đã báo cáo Chính phủ và ngay sau đó đã có văn bản ngưng không cho DN đăng ký. Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu mà các DN lỡ ký vượt đến 345.000 tấn. Lúc đầu, chính VFA đã không dám giải quyết vì lo ngại vấn đề an ninh lương thực nhưng rốt cuộc, số gạo này vẫn được xuất. Điều này cho thấy số lượng gạo dành cho an ninh lương thực là quá mơ hồ!


Đáng nói hơn, lượng gạo dành cho an ninh lương thực, dù được xem là rất quan trọng nhưng chưa được giao cho một tổ chức cụ thể nào chịu trách nhiệm mà nằm rải rác trong nông dân, các DN xuất khẩu... Bài học về đợt sốt ảo giá gạo cuối tháng 4-2008 là minh chứng cho bất cập này.


Theo ông Cao Minh Lãm, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu An Giang, cần có chính sách về vốn và giao cho Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc thu mua lúa, gạo để bảo đảm an ninh lương thực. Khi gạo dành cho an ninh lương thực đã bảo đảm, các DN sẽ được xóa hạn ngạch, chỉ tiêu... và chấm dứt được tình trạng bị động như lâu nay. Lúc đó DN mới có thể tận dụng tốt hơn những cơ hội xuất khẩu, nông dân cũng được hưởng lợi, không còn bị ép giá...

Sai một ly, "đi" 1 triệu tấn gạo

Từ trước đến nay, an ninh lương thực vẫn được tính theo công thức: Số lượng gạo tiêu thụ bình quân đầu người/tháng x tổng số dân + các khoản dự phòng (thiên tai, bão lũ, dịch bệnh nông nghiệp...). Đến nay, con số về lượng gạo tiêu thụ bình quân một người/tháng (cụ thể là 13 kg/người/tháng) không còn phù hợp nữa. GS Võ Tòng Xuân, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, cho rằng người VN gần đây đã thay đổi tập quán ăn uống, ăn ít hơn. Cụ thể, theo số liệu từ năm 2000 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, lượng gạo bình quân mỗi người VN tiêu thụ chỉ hơn 11,9 kg/người/tháng. Vì vậy, chỉ riêng khoản dự phòng "lố" để bảo đảm an ninh lương thực đã khiến phần gạo dành để xuất khẩu mất khoảng 1 triệu tấn/năm.