Trong khi giá phân bón tăng gấp hai, gấp ba làm nông dân nhiều nước điêu đứng thì không ít nhà sản xuất phân bón đang hưởng lợi gấp hai, gấp ba vì sự tăng giá này. Điều trớ trêu là phân bón trên thị trường thế giới đang bị làm giá bởi các nhà sản xuất vốn từng được xem là bạn của nhà nông.
Tăng gấp hai, gấp ba
Theo ông Jaime Tadeo, một nông dân ở Phillipines, một bao phân bón ở Phillipines hiện có giá đến 43 USD, trong khi vào năm ngoái giá này chỉ có 23 USD. “Nếu giá tiếp tục tăng cao, tôi e rằng nhiều người trong chúng tôi sẽ không còn tiền mà mua phân bón nữa”, ông Tadeo than thở.
Bên kia bờ Thái Bình Dương, ông Robert McLean, một nông dân trồng lúa mì ở tỉnh Manitoba của Canada, cũng cho biết nhiều nông dân trong vùng đã phải mua phân bón với giá 1.210 USD/tấn, thay cho giá 560 USD/tấn vào năm ngoái.
Tại Trung Quốc, giá phân kali hiện đã tăng cao gấp ba lần so với năm 2007. Có thể thấy điều này trong hợp đồng bán phân kali của nhà sản xuất phân bón Canpotex cho Trung Quốc. Mức giá mà Canpotex dành cho thị trường tiêu thụ phân bón nhiều nhất thế giới này là 576 USD/tấn, tăng hơn 400 USD so với năm ngoái. Vậy mà theo các nhà phân tích nông nghiệp Trung Quốc, trong thời gian tới giá phân kali ở Trung Quốc có thể sẽ còn tăng đến mức 650 – 670 USD/tấn.
Trong khi đó, báo cáo của tạp chí chuyên ngành nông nghiệp Green Markets cho thấy giá phân lân trên thị trường thế giới hiện đã chạm mức 1.000 USD/tấn, trong khi giá này vào năm ngoái là 365 USD, và giá phân kali cũng đã tăng từ 230 lên 700 USD/tấn.
Thị trường phân kali và phân lân thế giới đang nằm trong tay các tập đoàn sản xuất của Mỹ, Canada, Nga. Các tập đoàn này khẳng định rằng giá tăng, sau những năm bình ổn, chỉ phản ảnh tình trạng cung cầu, và rằng đang cố gắng nâng cao sản lượng.
Phó chủ tịch Michael R. Rahm của công ty phân bón Mosaic, một doanh nghiệp của tập đoàn nông sản thực phẩm Cargill, phân bua: “Chúng tôi chưa sẵn sàng đương đầu với nhu cầu phân bón bùng nổ hiện nay”.
Nhưng các phân tích độc lập cho thấy lĩnh vực sản xuất phân bón đủ sức đáp ứng nhu cầu thế giới. “Ở thời điểm này, thực sự không có vấn đề cung không đủ cầu”, nhà kinh tế nông nghiệp Steve Jesse thuộc ngân hàng Hỗ trợ kinh doanh thực phẩm Rabobank của Hà Lan khẳng định.
Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) hồi tháng 2/2008 cũng từng tuyên bố mức cung phân đạm, kali và phân lân trên thế giới là “đủ đáp ứng nhu cầu gia tăng” ít nhất cho đến năm 2012.
Theo ước tính của FAO, mức cung phân bón trên thế giới từ giai đoạn 2007 - 2008 đến giai đoạn 2011 - 2012 sẽ tăng từ 206,5 triệu tấn lên 241 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ tăng tương ứng từ 197 triệu tấn lên 216 triệu tấn.
Cùng nhau làm giá
Trớ trêu là có những đạo luật rối rắm đang đặt các nhà sản xuất phân bón nằm ngoài các nguyên tắc chống độc quyền thương mại.
Tại Mỹ chẳng hạn, nhờ đạo luật Webb-Pomerence Act 1918 mà các nhà sản xuất phân lân được xếp vào một nhóm doanh nghiệp có quyền thoả thuận với đối thủ kinh doanh để cùng ấn định giá cả. Từ chỗ là một đạo luật giúp đẩy mạnh xuất khẩu, Webb-Pomerence Act 1918 đã bị các công ty sản xuất phân bón như Potash và Mosaic lợi dụng để bán sản phẩm ra nước ngoài qua một kênh duy nhất với giá thoả thuận có lợi cho hai công ty.
Bên ngoài nước Mỹ cũng có những tập đoàn hoạt động theo kiểu này như Canpotex ở Canada và Belarus Potash ở Nga. Nhờ phân bón tăng giá mà Potash (vốn cũng là thành viên của Canpotex) cùng với Mosaic và Agrium (một nhà sản xuất ở Canada) đã đạt 566 triệu USD lợi nhuận trong quý một năm nay, gần gấp ba lần so với lợi nhuận của một năm trước.
Các tổ chức nông nghiệp tố cáo một số nhà sản xuất phân bón ở Nga, Mỹ, Canada đang làm giá trên thị trường thế giới. Ngay thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Byron L. Dorgan của bang Bắc Dakota cũng yêu cầu uỷ ban Thương mại Mỹ điều tra về kinh doanh phân bón.
Tại Ấn Độ, một trong những nhà tiêu thụ phân bón lớn nhất nước này là Indian Farmers Fertilizer Co-operative (IFFC) tố cáo rằng phân bón tăng giá một cách giả tạo vì bị làm giá, và đã kêu gọi Liên hiệp quốc hành động. Tháng 3 vừa qua, cơ quan chống độc quyền của Nga đã buộc nhà sản xuất phân kali hàng đầu trong nước là Urallkali phải giảm giá trên thị trường nội địa sau một cuộc chiến pháp lý về chính sách thuế doanh nghiệp.
Ở Nam Mỹ, chính phủ Brazil cũng dự tính quốc hữu hoá các kho phân bón trong nước nhằm giảm chi phí sản xuất nông nghiệp.
Theo lý thuyết, các tập đoàn không được phép cùng nhau thoả thuận giá. Nhưng trong thực tế, các tập đoàn vẫn đang nhòm ngó các đối thủ tăng giá để định giá sản phẩm.
Khi Urallkali của Nga vừa thông báo sẽ tăng giá bán phân kali lên 1.000 USD/tấn, ngay lập tức Canpotex của Canada cũng ra tuyên bố tương tự. Để bảo vệ nhà nông, Mỹ đã cấm các thành viên thuộc hiệp hội Phân lân thoả thuận giá trên thị trường nội địa. Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hoá, giá xuất khẩu thường được xem là tham chiếu nên các nhà nông ở Mỹ vẫn phải chịu sự chi phối của các tập đoàn. Mọi rào chắn giữa giá nội địa và quốc tế trong thực tế đã bị phá vỡ trên thị trường phân bón thế giới.