00:00 Số lượt truy cập: 3042548

Phân bón giả tung hoành 

Được đăng : 03/11/2016


“Chưa bao giờ tình trạng phân bón nhái giả, kém chất lượng lại nở rộ như lúc này”- Ông Nguyễn Hạc Thúy- Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam thốt lên. Ông Thúy cho biết, từ đầu năm đến nay do giá phân bón thế giới tăng cao (bình quân 250-300%) khiến cho nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng phân bón. Lợi dụng cơ hội này, nhiều DN sản xuất phân bón kém chất lượng, nhái giả nhãn mác tung ra thị trường với giá rẻ.

Không chỉ trong nước, nhiều DN còn nhập khẩu phân kém chất lượng về bán cho nông dân. Tính đến cuối tháng 8/2008, theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước có đến 61 cơ sở, DN sản xuất, nhập khẩu và phân phối phân bón nhái giả, kém chất lượng. Các cơ sở, DN này nằm trên địa bàn 30 tỉnh thành, nhưng tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Ông Phạm Quang Viễn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết theo số liệu chưa đầy đủ của lực lượng quản lý thị trường các địa phương, từ đầu năm đến nay đã phát hiện và xử lý trên 200 vụ, số lượng phân bón vi phạm trên 2.000 tấn, trong đó yếu là vi phạm về chất lượng. Phân bón kém chất lượng tập trung chủ yếu vào loại phân phối trộn như NPK vì loại này thông dụng, lượng tiêu thụ lớn và dễ làm.

Ông Viễn nhận diện: Phân bón có chất lượng thấp được sản xuất từ các “DN cuốc, xẻng”. Trong khi các DN sản xuất phân bón có thương hiệu phải đầu tư thiết bị sản xuất từ 15-20 tỷ đồng thì các cơ sở sản xuất nói trên có quy mô rất nhỏ, vốn đầu tư 25-50 triệu đồng, phương tiện sản xuất thô sơ, chủ yếu là…cuốc, xẻng, chảo. Ngoài ra còn một số DN làm ăn gian đối, kinh doanh theo kiểu chụp giật, thành lập và hoạt động trong một thời gian rất ngắn, chuyên làm hàng giả, hàng kém chất lượng… sau đó giải thể rồi lại thành lập DN sản xuất phân bón khác.

Nông dân méo mặt

Ông Nguyễn Văn Thuyết, bà Trần Thị Chuyền và ông Nguyễn Văn Hiệp ở xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (Lâm Đồng) cùng mua phân NPK 16-16-13S của Cty CP Quốc tế Động Trung sản xuất với giá trên 7,3 triệu đồng/tấn, có loại trên 10 triệu đồng/tấn. Sau khi bón cho cà phê, cà phê không nảy mầm, không cho búp, lá úa vàng khô và trái rụng trên 50%. Vườn cà phê của ông Phúc còn có nguy cơ chết đến 60%; 3 ha ngô của bà Chuyền chết sạch sau 3 lần bón loại phân này.

Nhiều nông dân ở vùng này cũng mua phân bón của Cty CP Quốc tế Động Trung và cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cũng tại Lâm Đồng, có nhiều vườn cà phê ở huyện Đức Trọng sử dụng NPK có nguồn gốc từ Mỹ (do Cty kinh doanh tổng hợp Vina Cà phê Quy Nhơn nhập khẩu) đều bị tàn lụi, rụng lá, rụng quả, cho năng suất thấp hơn 50%.

Ông Trần Văn Một ở xã Trà Côn, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) lo lắng: “Hầu hết nông dân ở vùng này đều mua phải phân bón kém chất lượng, phân giả. Gia đình tui mua phân NPK 16-16-8-13S nhưng khi mở bao ra thấy đa số là đất sét. Tui đem phân bón cho 4,5 công lúa được 22 ngày tuổi, không những lúa không phát triển mà ngày càng thấy còi cọc, lụi dần”.

Về mức độ kém chất lượng của phân bón nhái giả, ông Phạm Quang Viễn cho biết có tới 40-50% số mẫu giám định có chất lượng thấp hơn, thậm chí rất thấp so với mức công bố, trong đó chất có ích (N,P,K…) trong hỗn hợp đạt không quá 40%.

Tuy nhiên, số liệu do ông Nguyễn Hạc Thúy đưa ra còn cho thấy mức độ kém chất lượng còn ở mức trầm trọng: Phân NPK do Cty Đông Hải sản xuất trên bao bì ghi các chỉ số về hàm lượng 16-16-8-13S, nhưng thực tế hàm lượng N chỉ 1,3% (hàm lượng công bố 16%), phosphor chỉ 0,6% (công bố 16%), kali chỉ 0.03% (công bố 8%) và S chỉ 2,94% (công bố 13%).

Trung tâm ứng dụng khoa học tỉnh Lâm Đồng kiểm định nhiều lô phân bón NPK do các Cty TNHH Thiên Phúc, Việt Thái sản xuất và kết quả khiến mọi người không khỏi sững sờ: các hàm lượng ni tơ, phosphor, kali và S đăng ký thứ tự là 16-16-8-13S nhưng thực tế tương ứng chỉ có 3%, 2,7%, 1,4% và 0,52%.

Tương tự, nhiều DN sản xuất, kinh doanh phân bón khác cũng được phát hiện có chất lượng rất thấp so với công bố trên bao bì như Cty CP Sinh Hóa Củ Chi (TPHCM), Cty CP phân bón Việt Phi, Tiến Phát, Sao Mai… Không ít DN chưa được cấp phép nhưng vẫn tung sản phẩm ra thị trường. 

Lỗi không phải tại tôi!

“Một người lỡ lấy trộm chỉ 50.000 đồng là có thể bị truy cứu hình sự, trong khi các DN “móc túi” của nông dân hàng tỷ đồng lại chỉ bị xử phạt hành chính với mức cao nhất là 12 triệu đồng. Qúa bất hợp lý!”- Ông Nguyễn Duy Sỹ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Hóa chất Việt Nam bức xúc khi đề cập đến tình trạng phân bón nhái, giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường.

Hiện không có  một cơ quan chức năng nào, kể cả DN, đứng ra nhận lãnh trách nhiệm. Và tất cả đều đổ lỗi cho khách quan, chẳng hạn: Tại cơ chế không quy định sản xuất kinh doanh phân bón phải có điều kiện; do thiếu văn bản pháp luật về quản lý phân bón; nông dân ham rẻ nên mua phân kém chất lượng… Thậm chí có ý kiến còn đề nghị đưa thêm các điều kiện trong kinh doanh phân bón như một thứ “giấy phép con” để bảo vệ quyền lợi của một nhóm lợi ích.

Theo nhiều chuyên gia, nguồn gốc sâu xa của vấn đề là do buông lỏng quản lý Nhà nước. Ông Sỹ đề nghị cần chấn chỉnh việc cấp phép và tăng cường khâu hậu kiểm đối với các cơ sở sản xuất phân bón để tránh tình trạng khi đăng ký kinh doanh thì “hứa” đầu tư đủ mọi điều kiện, nhưng thực tế sản xuất lại chỉ có cuốc, xẻng, xô, chậu…

Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho rằng các DN phải tự bảo vệ mình và cũng chính là bảo vệ khách hàng của mình- người nông dân bằng việc nâng cao trình độ sản xuất, hiện đại hóa công nghệ thiết bị để cho ra những sản phẩm mà các DN khác không thể làm nhái, giả được.