Từ đầu năm đến nay, chưa lần nào giá phân bón lại tăng cao như hiện nay. Không chỉ giá phân bón nhập khẩu mà ngay cả phân bón sản xuất trong nước cũng tăng. Điều này đã tác động rất mạnh tới sản xuất của nông dân.
Dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông Nguyễn Duy Sỹ, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hoá chất Việt Nam về vấn đề này.
Xin ông cho biết tình hình giá các loại phân bón hiện nay?
Tổng công ty Hoá chất Việt Nam đã sản xuất được 180.000 tấn phân urê, đáp ứng 8-10% nhu cầu trong cả nước. Về giá, Tổng công ty không quyết định được mà phụ thuộc vào giá phân bón của nhà máy đạm Phú Mỹ và phân bón nhập khẩu.
Có một nghịch lý là Nhà máy đạm Phú Mỹ và Tổng công ty Hoá chất Việt Nam rất muốn giảm giá để nhanh bán được hàng, nhưng nếu giảm giá như vậy thì cũng mới đáp ứng được 40-50% nhu cầu, còn lại vẫn phải nhập khẩu. Thế nhưng giá thấp thì các hộ kinh doanh lại không nhập. Vì vậy, bắt buộc vẫn phải để giá ở mức cao, khi đó các doanh nghiệp mới nhập vào và không gây sốt về lượng.
Hiện giá phân bón đang có xu hướng tăng cao. Vì vậy, khả năng khan hàng và sốt giá cục bộ trong vụ đông xuân là rất lớn. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính?
Đây là vấn đề đã được Tổng công ty bàn bạc rất kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy, hiện lượng phân bón NPK, urê và phân chế biến tồn kho vẫn còn từ 35-38% so với cùng kỳ năm trước nên khả năng khan hàng khó xảy ra. Tuy nhiên, nguyên nhân chính hiện nay không phải là lượng hàng tồn kho hay tăng giá mà chủ yếu là khó khăn trong lĩnh vực sản xuất, bởi ngoài việc giá nguyên liệu tăng cao, thì nguồn nguyên liệu cung cấp cho sản xuất phân bón cũng ngày càng khó khăn và khan hiếm.
Trong thời gian qua, Tổng công ty cũng đã đầu tư mở rộng quy mô mỏ apatit để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, việc vận chuyển quặng về nhà máy, đặc biệt là các nhà máy tại phía Nam là rất khó khăn. Mặc dù ngành đường sắt đã dành trên 50% năng lực vận tải của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội để phục vụ cho việc chuyên chở quặng apatit nhưng cũng chưa đủ đáp ứng cho nhu cầu sản xuất.
Có ý kiến cho rằng, chính hệ thống phân phối có "địa chỉ" của nhà máy đạm Phú Mỹ đã khiến giá phân bón biến động bất thường. Ông nghĩ sao về điều này?
Tất cả các chủng loại phân bón như super lân, lân nung chảy, NPK, DAP, phân hữu cơ đặc chủng... đều cần thiết cho nông nghiệp nhưng đặc biệt phân urê là mặt hàng nhạy cảm nhất.
Vai trò của Công ty Phân đạm Hoá chất dầu khí, Công ty Phân đạm Hoá chất Hà Bắc đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp phân urê cho nông nghiệp. Trên thực tế, nhiều lúc đạm Phú Mỹ cũng đã phải điều chỉnh giá.
Tuy nhiên, do chưa kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nên tình trạng đầu cơ, mua đi bán lại lòng vòng, tuỳ tiện nâng giá của một số doanh nghiệp kinh doanh vẫn xảy ra. Đối với Tổng công ty Hoá chất Việt Nam cũng không thể mua được phân urê trực tiếp từ nhà máy mà phải thông qua các đại lý do Công ty Phân đạm Phú Mỹ thành lập với giá 5.000 đồng/kg.
Thưa ông, với tình trạng tăng giá như hiện nay thì khả năng cung cấp phân bón cho vụ đông xuân sắp tới có đáp ứng đủ không?
Hiện nay, tuy giá phân bón vẫn đang ở mức cao nhưng tôi khẳng định, nếu đảm bảo được việc vận chuyển quặng apatit từ Lào Cai thì sẽ không có chuyện thiếu phân bón trong vụ đông xuân 2007-2008, nhất là đối với ba loại phân bón mà Tổng công ty đang sản xuất với số lượng lớn, đó là super lân, phân lân nung chảy và phân NPK.
Để bình ổn giá phân bón, theo ông cần phải có những giải pháp cụ thể như thế nào?
Ngày 12/8/2007, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng bàn và triển khai các biện pháp kiềm chế tốc độ tăng giá, trong đó có biện pháp giảm giá bán xăng dầu và giữ nguyên giá bán than.
Để góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá của thị trường, thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam đề nghị các công ty thành viên và người đại diện phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần rà soát lại chi phí sản xuất, hạn chế các khoản chi chưa cần thiết, tiết kiệm chi phí để đạt được các yêu cầu của sản xuất kinh doanh mà không phải tăng giá bán.
Căn cứ vào thực tế sản xuất kinh doanh, sau khi đã rà soát lại các chi phí sản xuất mà thấy rằng sản xuất kinh doanh không có hiệu quả, các đơn vị sẽ phải xây dựng lộ trình tăng giá bán sản phẩm của đơn vị mình cho phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá của Chính phủ.