00:00 Số lượt truy cập: 2668569

Phập phồng dịch bệnh lúa thu đông 

Được đăng : 03/11/2016

Tính đến thời điểm này, nhiều tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã hoàn thành chỉ tiêu xuống giống lúa thu đông (TĐ) 2011. Tuy nhiên, do nông dân phải chạy đua với thời gian cho kịp lịch thời vụ và không tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên trà lúa này là rất cao.


Đất không có thời gian nghỉ nên nông dân phải tăng cường bón phân cho lúa

Ở nhiều nơi, trong lúc nông dân trong vùng quy hoạch đang tập trung gieo sạ lúa TĐ thì các địa phương lân cận khác lại đang thu hoạch rộ lúa HT. Vì vậy, mật độ rầy nâu di trú thường rất cao. Điều đáng lo ngại là kết quả phân tích các mẫu rầy nâu ở ĐBSCL do Trung tâm BVTV phía Nam thực hiện mới đây cho thấy, tỷ lệ rầy mang vi rút gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá (VL-LXL) chiếm trên 40%. Trong khi đó, nhiều nơi nông dân lại không tuân thủ theo khuyến cáo về thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa tối thiểu là 21 ngày và gieo sạ tập trung né rầy. Một số nông dân thường có tâm lý, tranh thủ gieo sạ sớm để thu hoạch trước bán sẽ có giá cao hơn.

 Tại Kiên Giang, tính đến thời điểm này nông dân trong tỉnh đã gieo sạ được trên 47.000 ha lúa TĐ, cao hơn kế hoạch ban đầu 11.000 ha. Sở dĩ diện tích lúa TĐ 2011 của Kiên Giang tăng cao là do nông dân các huyện như: Tân Hiệp, Hòn Đất… đã tự ý xé rào xuống giống ngoài vùng quy hoạch. Ông Nguyễn Văn Tân, ở xã Tân An, Tân Hiệp, thành thật: “Mặc dù biết việc gieo sạ lúa TĐ ngoài vùng quy hoạch là nguy hiểm nhưng bà con xung quanh ai cũng làm, thậm chí có người còn mạnh dạn hỏi mướn thêm đất để canh tác, chẳng lẽ mình có đất lại bỏ không”.

Do chưa có hệ thống đê bao đảm bảo ngăn lũ nên nông dân buộc phải chạy đua với thời gian bằng việc gieo sạ càng sớm càng tốt, cắt lúa HT xong là tranh thủ làm đất xuống giống ngay. Nông dân cho biết, hầu hết diện tích lúa của họ đều bị hiện tượng ngộ độc hữa cơ, lúa gieo sạ được 15-20 là đỏ lá, xử lý rất tốn kém.

Ông Tống Văn Thuấn, Trưởng phòng NN-PTNT Giồng Riềng (Kiên Giang) cho biết, toàn huyện đã xuống giống được hơn 25.000 ha lúa TĐ, đạt 101% so với kế hoạch đề ra. Trà lúa hiện nay chủ yếu là ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh. Theo ông Thuấn, lo ngại lớn nhất của huyện hiện nay đối với lúa TĐ là tình hình dịch bệnh và nhiều diện tích đê bao không đảm bảo. Mặc dù lúa mới gieo sạ nhưng một số diện tích đã bị dịch rầy nâu, bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá gây hại.

Còn về đê bao thì chỉ có khoảng 70% diện tích lúa TĐ của huyện là được đảm bảo, có hệ thống bơm thoát nước tốt. Một số diện tích tuy nằm trong hợp tác xã, tổ hợp tác nhưng hệ thống đê bao yếu, thấp hơn cao trình lũ hằng năm nên không an toàn. Trong trường hợp mùa nước nổi về sớm hoặc gặp mưa bão kéo dài rất dễ bị ngập úng. Đáng lo ngại hơn là một số diện tích nông dân làm rải rác tự phát, hoàn toàn không có đê bao nên rất dễ bị mất trắng khi gặp thời tiết bất thường.

Tính đến thời điểm này tỉnh Hậu Giang cũng đã cơ bản hoàn thành kế hoạch xuống giống lúa TĐ. Tuy nhiên, có không ít diện tích đã được nông dân xuống giống trước lịch thời vụ từ 10-15 ngày. Nhiều hộ chỉ mới thu hoạch lúa HT khoảng 5-7 ngày là đã gieo sạ tiếp vụ lúa TĐ trở lại, đất hoàn toàn không có thời gian nghỉ cũng như cách ly mùa vụ.