Đó là kinh nghiệm được đúc rút trong thực tiễn hoạt động của Hội Làm vườn Lục
Vượt lên khó khăn
Giờ đây, Lục Nam không chỉ có những đồi vải thiều trải dài ngút mắt mà chúng tôi còn thấy sự phát triển của các giống cây trồng mới như sắn, khoai lang. Số lượng đàn trâu, bò tăng nhanh đã góp phần tạo sự chuyển biến cho bức tranh kinh tế của địa phương.
Năm qua, ngành nông nghiệp Lục Nam gặp muôn vàn khó khăn, rét đậm, rét hại kéo dài làm hơn 1.000ha lúa và hàng chục con trâu, bò bị chết, cơ cấu giống cây trồng - vật nuôi bị đảo lộn. Bên cạnh đó, giá vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá phân bón lên cao đã hạn chế khả năng đầu tư của hội viên, nông dân vào sản xuất. Thị trường tiêu thụ vải thiều, nông sản chủ lực của địa phương bấp bênh khiến nhiều hộ nông dân lao đao.
Vượt lên khó khăn, Hội Làm vườn Lục Nam đã làm tốt công việc của mình, góp phần cùng các ngành chức năng vận động bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế hàng hoá... Nhờ đó, năm qua, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 15.755ha, trong đó, diện tích lúa là 7.350ha, sản lượng 36.823,5 tấn. Ngoài ra, còn có hơn 2.000ha cây công nghiệp ngắn ngày như lạc, đậu tương; 2.261,5ha rau màu. Đặc biệt, gần 10.000ha cây ăn quả gồm vải thiều, nhãn, sản lượng cũng vượt năm 2007.
Kinh tế VAC phát triển đã góp phần nâng đàn gia súc, gia cầm của huyện lên gần 30.000 con trâu, bò, 110.000 con lợn, tăng nhanh số lượng đàn gia cầm. Nhiều hộ còn mạnh dạn nuôi hươu, dê, chuyển đổi ruộng 1 vụ năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, đưa nhiều giống cá mới như rô phi, chép lai... vào nuôi thả, nhờ đó, giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trước.
Ông Nguyễn Đức Chính, Phó chủ tịch HLV Lục Nam cho biết: “Nhằm góp phần thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương, Hội đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; mở rộng sản xuất tại trang trại, gia trại, tạo điều kiện cho nông dân tham quan, học hỏi các mô hình tiên tiến. Hỗ trợ, giúp đỡ bà con về kỹ thuật, vật tư thông qua các chương trình lồng ghép, câu lạc bộ khuyến nông”.
Đặc biệt, năm 2008 HLV Lục Nam đã phối hợp cùng HLV tỉnh tổ chức chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi cho hàng trăm hội viên; kết hợp cùng Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông mở 8 lớp kỹ thuật thâm canh vải thiều và na tại hai xã Huyền Sơn, Nghĩa Phương và các xã miền núi có diện tích cây ăn quả lớn. Không dừng lại ở đó, Hội đang tiếp tục triển khai một số mô hình như sản xuất nấm, khoai lang giống mới cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần giúp hội viên phát triển kinh tế.
Tăng cường trao đổi kỹ thuật
Hội Sinh vật cảnh thành phố Bắc Giang cũng là đơn vị hoạt động rất hiệu quả. ông Nguyễn Trung Bình, Chủ tịch Hội cho biết: “Với hơn 60 hội viên, để hoạt động hiệu quả, Hội thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, học tập giữa các hội viên, giao lưu với các huyện bạn như Lục Nam, Yên Dũng, Tân Yên và tỉnh Bắc Ninh. Qua đó, nhiều người đã đúc rút được kinh nghiệm quý về phương pháp làm cây thế, bố trí sắp đặt khuôn viên vườn phù hợp với điều kiện tự nhiên...”.
Với phương châm không dừng lại ở giá trị kinh tế, các nhà vườn đều tích cực nâng cao tính thẩm mỹ, giữ gìn môi trường, đưa cây cảnh vào cơ quan công sở, trường học của địa phương. Ông Bình cho biết: “Nghề trồng cây cảnh đã trở thành phong trào khá mạnh ở TP. Bắc Giang. Không chỉ nâng cao thu nhập cho hội viên, nhiều người còn làm giàu và trở thành tỷ phú”. Bản thân ông Bình cũng là “chuyên gia” trong nghề trồng cây cảnh. Ông tâm sự: “Cây cảnh cho giá trị kinh tế lớn nhưng đòi hỏi kỹ thuật cao. Sau khi trồng cây ổn định trong chậu, cần chú ý tưới nước và bón phân thường xuyên. Tuỳ vào mỗi loại cây cảnh, mỗi giai đoạn sinh trưởng của cây mà điều chỉnh sự chăm sóc phù hợp”. Theo ông Bình, thời điểm thích hợp nhất để bón phân cho cây cảnh là đầu hoặc gần cuối mùa mưa, hoặc đầu mùa xuân và mùa thu. Đối với các loại phân dễ tiêu, cần bón trực tiếp vào đất, khi bón phải xới đất mới đạt hiệu quả cao.
Trong vai trò Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh, hơn 20 năm qua ông Bình luôn nỗ lực nâng cao hoạt động của Hội. Hiện, ông đang sở hữu gần 100 cây cảnh các loại, trong đó có nhiều cây giá hàng chục triệu đồng. “Tôi cho rằng đối với Hội Sinh vật cảnh TP. Bắc Giang hay các cơ sở Hội khác, việc trao đổi, giao lưu để phát huy sự sáng tạo của hội viên là yếu tố quan trọng giúp Hội hoạt động hiệu quả”, ông Bình nhấn mạnh.