Nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè, đã góp phần mang lại hiệu quả cao cho ngư dân vùng sông nước đầu nguồn huyện An Phú. Hiện nay, cá lăng nha đuôi đỏ được xem là loại cá đặc sản, mở ra triển vọng mới cho nghề nuôi thủy sản ở An Giang...
Nằm cặp sông Bình Di thuộc thị trấn Long Bình (An Phú), giáp ranh với huyện Ko Thum, tỉnh Kandal (Campuchia), hàng trăm bè nuôi lớn nhỏ liền kề nối đuôi nhau. Cán bộ địa phương dẫn chúng tôi đến bè cá của chú Nguyễn Văn Vàng (tư Vàng), ngụ ấp Tân Khánh, thị trấn Long Bình đang loay hoay chuẩn bị mồi cho cá lăng nha ăn. Chỉ tay về thau mồi, Chú Tư cười khà: "Mồi này xay để vỗ béo cho bè cá thứ hai. Còn hôm qua thương lái chạy ghe vô cân bè thứ nhất được 5 tấn cá bán với giá 60 ngàn đồng/kg, trừ vốn liếng, kiếm ngót nghét trên 120 triệu đồng".
Sau nhiều lần nuôi cá tra và cá lóc bông lỗ lã thất bát năm 2006, trong một lần sang chơi nhà người thân bên tỉnh Kandal (Campuchia), chú tư Vàng thấy nhiều hộ nuôi bè cá lăng nha đuôi đỏ con nào cũng lớn hơn 2kg. Ham quá, chú tìm hiểu kỹ thuật và mua 5.000 con giống bên ấy về nuôi, với giá 4.800 đồng/con (cỡ 2,5 phân/con), bỏ công chăm sóc, sau gần 12 tháng, bè cá đạt trọng lượng 6 tấn, chú xuất bán với giá 60.000 đồng/kg, trừ tất cả chi phí chú còn lãi cả trăm triệu đồng. "Ban đầu bạo gan bắt cá về nuôi chứ không biết bán được hay không, vì đây là loại cá ở tỉnh nhà chưa ai nuôi, thị trường tiêu thụ chỉ bán chợ hoặc quán ăn, nhà hàng. Nhưng nhờ vậy mà cá khan hiếm nên giá bán rất cao…", chú tư bật mí. Sắp tới, gia đình chú sẽ xuất bán thêm bè cá thứ hai dự kiến kiếm lời hai bè khoảng 300 triệu đồng.
Thấy chú tư Vàng làm ăn có hiệu quả, nhiều hộ trong xóm bắt chước nuôi theo cũng kiếm được đồng lời đáng kể. Thấy rõ nhất là trường hợp anh Huỳnh Văn Tốt, người nhiều lần đến bè chú tư Vàng chơi, học hỏi cách nuôi rồi đóng 2 cái bè khoảng 24m2/cái để thả 10.000 con giống cá lăng nha. Anh Tốt nhẩm tính: "Chi phí đầu tư thấp hơn so với nuôi cá tra gấp nhiều lần, do cá lăng nha là loại cá ăn tạp nên nguồn thức ăn cũng dễ tìm, chủ yếu là cá biển hoặc cá linh mùa nước nổi... Trung bình cho ăn khoảng 6kg mồi cá đạt trọng lượng trên 1 kg mà 1kg mồi giá 5.000 đồng/kg; cho nên 6kg mồi đạt 1kg cá bán với giá 60.000 đồng/kg thì còn lời khoảng phân nửa. Loại cá này thích hợp với môi trường nước chảy nên mau lớn. Ngoài ra, cá còn có đặc điểm là ít bệnh, nếu nuôi hết cỡ cá đạt trọng lượng từ 3-4kg…". Hiện nay, hai bè của anh Tốt cá đạt trọng lượng khoảng hơn 1kg/con. Dự kiến trong tháng tới anh cho xuất bán 2 bè cá khoảng 10 tấn, nếu trừ đi tất cả chi phí, anh còn lời khoảng 250 triệu đồng.
Hiện nay phong trào nuôi cá lăng nha đang trở thành thế mạnh đặc thù của vùng đầu nguồn huyện An Phú. Toàn huyện có khoảng 30 hộ nuôi cá lăng nha lồng bè, tập trung chủ yếu ven sông Bình Di, trong đó có trên 10 hộ nuôi tập trung; còn lại là những hộ nuôi tự phát. Tuy nhiên để duy trì sự ổn định nghề nuôi cá lăng nha không bị rơi vào cảnh khủng hoảng thừa rồi "lao đao" như con cá tra, cá basa thì rất cần chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm quy hoạch vùng nuôi sao cho hợp lý. Qua đó hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đầu ra ổn định, tránh thương lái ngang nhiên ép giá thì người nuôi mới an tâm bám lấy nghề.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Trương Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Phú nói, trong vài năm trở lại đây mô hình nuôi cá lăng nha đuôi đỏ trong lồng bè được xem là mô hình mới của cư dân đầu nguồn. Cái khó của người nuôi hiện nay là đầu ra chưa ổn định, thương lái thường xuyên ép giá, có khi một bè chỉ 4-5 tấn cá mà cân từ 2-3 lần. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người dân đừng nuôi ồ ạt một cách tự phát trong khi chưa nắm vững thị trường…