00:00 Số lượt truy cập: 3041194

Phát trển cao su ở Tây Bắc: Thiếu quy hoạch tổng thể 

Được đăng : 03/11/2016

Thời gian gần đây, nhiều người đã bàn về tính khả thi của việc phát triển cây cao su ở các tỉnh Tây Bắc. Trong khi còn chưa đánh giá hết tiềm năng và hạn chế thì một số địa phương đã tăng diện tích một cách ồ ạt.


Hậu quả là, cao su chết rét hàng loạt hồi đầu năm 2008. Vẫn biết cao su là cây trồng giàu tiềm năng nhưng để tránh dẫm lại “vết xe đổ” của nhiều cây trồng khác, rất cần sự đồng bộ trong khâu quy hoạch và triển khai thực hiện.

Không phải nơi nào cũng trồng được

Theo ông Phan Huy Thông, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT), một số tỉnh vùng Tây Bắc như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên rất giàu tiềm năng về đất lâm nghiệp để trồng cao su.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, vùng Tây Bắc thuận lợi thì ít mà khó khăn rất lớn. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, điện, nước lạc hậu, trình độ canh tác của nông dân còn nhiều hạn chế. Đây là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên vốn tự lực trong dân hầu như không có, đời sống bà con còn khó khăn. Độ dốc đất canh tác cao, địa hình chia cắt nên khó hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Đó là chưa kể đến thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường. Trong khi trồng cao su đòi hỏi quy trình kỹ thuật chặt chẽ, liên hoàn. Điều này khiến việc đầu tư phát triển cao su ở Tây Bắc tốn nhiều chi phí hơn so với các tỉnh phía Nam.

Đến nay, bà con nông dân cũng như chính quyền nhiều địa phương vẫn chưa quên bài học cao su chết rét hàng loạt hồi đầu năm 2008. Năm 2006 - 2007, tỉnh Lai Châu trồng khoảng 626ha cao su, tập trung chủ yếu ở huyện Phong Thổ, nhưng trận rét đậm kéo dài đã làm trên 200ha bị rụng lá, chết đỉnh sinh trưởng, phải trồng lại toàn bộ. Trong đó, xã Hang Thèn là địa phương từng có kinh nghiệm trồng cao su từ năm 1993, nhưng số cây mới trồng cũng không tránh khỏi chết rét. Hay mô hình tại xã Chiềng Ban (Mai Sơn - Sơn La) trồng ở độ cao 800m so với mực nước biển với diện tích 3ha, dù được chăm sóc tốt, trồng xen càphê và muồng hoa vàng để chắn gió, phát triển được 2 tầng lá ổn định nhưng giá rét vẫn khiến cao su chết khô.

Ông Lê Đăng Doanh, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông - Lâm nghiệp miền núi phía Bắc cho rằng, qua việc cao su chết vừa rồi cho thấy, bà con cũng như chính quyền địa phương có phần chủ quan trong việc phát triển diện tích cao su trước khi có quy hoạch cụ thể mà chủ yếu dựa trên kết quả trồng thử nghiệm của Viện những năm trước đây. Cũng theo ông Thông, số cao su đã triển khai phần lớn trồng theo mô hình tiểu điền nên rất khó quản lý, chăm sóc và bảo vệ. Hiện, 3 tỉnh Điện Biên, Lai Châu và Sơn La đã phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thành lập 3 công ty cao su nhằm phát triển vùng trồng tập trung theo hướng đại điền. “Tuy nhiên, cách làm của các địa phương chưa đồng bộ mà vẫn theo kiểu vừa chạy vừa xếp hàng, nghĩa là khảo sát thấy nơi nào đủ điều kiện về đất đai, khí hậu, lao động là triển khai chứ chưa có quy hoạch tổng thể”, ông Thông cho biết.

Điều đáng nói là dù chưa có quy hoạch nhưng các tỉnh vẫn chủ trương phát triển hàng ngàn hécta cao su. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự định trồng 30.000ha ở Lai Châu và Điện Biên. Mục tiêu đặt ra trong năm 2008 là trồng được khoảng 2.500ha. Riêng huyện Phong Thổ (Lai Châu) ưu tiên phát triển 500ha cao su từ nay đến năm 2009.

Chỉ nên trồng ở độ cao dưới 500m

Ông Vương Đức Kẻm, Chủ tịch UBND xã Khổng Lào (huyện Phong Thổ) cho biết, mặc dù được hỗ trợ giống, vật tư, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật... nhưng sau vụ cao su chết rét, đến nay bà con vẫn còn hoang mang và chưa dám đầu tư trồng mới.

Ông Doanh cho rằng, cao su có thể trồng được ở các tỉnh Tây Bắc nhưng phải hết sức thận trọng vì không phải nơi nào cũng thích hợp, chỉ nên trồng ở những nơi có độ cao dưới 500m so với mực nước biển, sử dụng bộ giống chịu lạnh; trồng theo địa hình bậc thang để giúp cây tăng khả năng giữ nước, dễ tăng trưởng. Bà con nên trồng vào đầu mùa mưa, từ tháng 5 đến tháng 7. “Hiện tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cũng chỉ trồng cao su ở độ cao 600m trở xuống và chọn những nơi nhiệt độ ấm. Không chỉ trồng để lấy mủ, những cánh rừng cao su ở Vân Nam còn nhằm mục đích giữ đất, điều hoà sinh thái”, ông Doanh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Doanh khẳng định, cao su ở phía Bắc không thể cho năng suất cao như ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, vì tới mùa đông, nhiệt độ thấp, cao su sẽ rụng lá, không cho mủ, dẫn tới năng suất thấp, nếu chăm sóc tốt cũng chỉ đạt khoảng 1-1,2 tấn mủ/ha.

Vì thế, trong vấn đề phát triển cao su ở Tây Bắc, quan trọng nhất là các tỉnh phải có quy hoạch tổng thể, không làm theo phong trào; phải tính toán kỹ từng vùng tiểu khí hậu. Nơi nào khí hậu ấm, trong năm không có nhiệt độ dưới 7 độ C kéo dài từ 3 ngày trở lên, không có sương muối, chất đất tốt mới nên xem xét trồng cao su.