00:00 Số lượt truy cập: 2999352

Phát triển cao su ở phía Bắc: Không theo quy hoạch sẽ thất bại! 

Được đăng : 03/11/2016

Diện tích trồng cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang không ngừng tăng với hàng chục ngàn hộ nông dân tham gia. Điều đáng nói là sau hơn nửa thập kỷ cao su “đặt chân” lên đất Bắc (từ năm 2006), vẫn chưa ai dám khẳng định là loại cây này sẽ “nhả vàng”. Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cho biết:


Câu chuyện phát triển cây cao su ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã trở thành vấn đề thời sự của nhiều địa phương, hộ gia đình với rất nhiều kỳ vọng về sự thay đổi cho vùng đất nghèo. Những thuận lợi, khó khăn đã được các ban ngành xác định rõ, trong đó khó khăn lớn nhất là cao su là cây nhiệt đới, trong khi miền Bắc lại có mùa đông lạnh, địa hình phức tạp, dốc nhiều và chia cắt, trình độ sản xuất của bà con còn thấp, nguồn lực đầu tư tại chỗ hạn chế, nhất là khu vực này chưa có kinh nghiệm trồng cây cao su.

Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành và địa phương, trong 5 năm qua (2006 – 2010), cây cao su đã được trồng thử nghiệm ở nhiều nơi thuộc vùng Tây Bắc, tổng diện tích đạt xấp xỉ 15.000ha. Hiện, cao su đang từng bước phát triển, đạt được một số kết quả có tính chất tiền đề, song cũng xuất hiện một số vấn đề cần rút kinh nghiệm.

Vườn ươm giống cao su ở huyện Mường Ảng (Điện Biên).

Ông có thể nói rõ hơn những vấn đề cần rút kinh nghiệm?

Thứ nhất, trong Quyết định 750/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển cao su đã ghi rõ, cao su phát triển tập trung ở các tỉnh Tây Bắc là Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Còn các tỉnh Đông Bắc như Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái có khí hậu khác với vùng Tây Bắc, mùa đông giá rét, nhiệt độ thấp, có nhiều sương muối nên chưa được đưa vào quy hoạch mà chỉ cho phép trồng thử nghiệm. Cái đó chúng tôi đã chỉ đạo rất rõ.

Thứ hai, phát triển cao su ở miền núi phía Bắc phải xác định là không làm ồ ạt, theo phong trào mà phải kiên quyết theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Thứ ba, phải lấy cao su đại điền làm mô hình chủ lực, tức là phải có doanh nghiệp (DN) tham gia, ký hợp đồng liên kết, liên doanh với nông dân.

Ba vấn đề trên đã được nêu rất rõ, những đơn vị nào không thực hiện đúng sẽ phải trả giá. Và thực tế cho thấy là mùa đông năm 2008 và 2010 đã có nhiều diện tích cao su bị chết rét, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Bắc, có những tỉnh diện tích cao su chết tới 90 – 95%.

Thưa ông, đến nay chúng ta đã xác định được cơ cấu giống thích hợp cho vùng này chưa?

Qua trồng thử nghiệm, đến nay chúng ta đã xác định được một số giống cao su phù hợp, chịu lạnh tốt, có thể vững vàng qua mùa đông giá rét, gồm 2 giống Vân Nghiên 77-2 và Vân Nghiên 77-4, được nhập từ Trung Quốc. Các tỉnh Đông Bắc nếu muốn trồng thử nghiệm cao su thì chỉ nên trồng 2 giống này.

Trước nhiều thử thách như vậy tại sao ta không thử dừng lại để nghiên cứu, xem xét rồi mới trồng tiếp, thưa ông?

Cao su là cây công nghiệp dài ngày, có nguồn gốc nhiệt đới, muốn biết được kết quả phải sau 5 - 7 năm cây mới ra mủ, mà lượng mủ phải đạt 1 tấn/ha thì mới gọi là có hiệu quả kinh tế. Từ các đặc điểm này, trồng cao su phải hết sức cẩn thận, nghiên cứu kỹ khả năng chịu rét, sương muối của cây và khả năng cho mủ. Bên cạnh đó, cao su cũng đòi hỏi đất phải có chất dinh dưỡng tốt, vì vậy, nếu trồng ở độ dốc quá 35 độ, ở tầng canh tác không có độ dày 1m thì năng suất mủ, khả năng sinh trưởng sẽ kém. Vì vậy, quy trình kỹ thuật trồng cao su, địa điểm trồng, thời vụ trồng phải được hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, quỹ đất hiện không còn nhiều, nếu trồng ồ ạt thì đồng nghĩa với việc phá rừng, vì vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư 58/2009/TT- BNNPTNT ngày 9/9/2009 hướng dẫn cụ thể về trồng cao su trên đất lâm nghiệp, theo đó, công nhận cao su là cây đa mục tiêu, vừa là cây xóa nghèo làm giàu, vừa là cây cho gỗ nên chỉ trồng cao su trên những diện tích rừng chuyển đổi. Đường đi nước bước đã được xác định rõ. Tuy nhiên, chúng ta cũng rất thông cảm với đồng bào các dân tộc bởi hầu hết bà con còn nghèo, chính quyền địa phương thì nôn nóng muốn tìm ra cây trồng hiệu quả... nên một số nơi đã phá rào, vượt quy hoạch.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, diện tích cao su sẽ đạt khoảng 50.000-70.000ha. Nhưng không có nghĩa chúng ta phát triển ồ ạt 50.000 – 70.000ha cùng một lúc mà phải trồng từng bước, theo lộ trình để đảm bảo chắc ăn. Vừa trồng, vừa thăm dò, khảo nghiệm và đến thời điểm này, toàn vùng Tây Bắc mới trồng được 15.000ha (hiện, 4 tỉnh Đông Bắc đã trồng được 2.000ha – PV), do vậy, việc phát triển cao su như trên không phải là nôn nóng mà vẫn theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Phát triển cao su ở phía Bắc: Không theo quy hoạch sẽ thất bại!

Hiện, thị trường tiêu thụ mủ cao su của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc. Vài năm nữa cao su ở miền núi phía Bắc cho thu hoạch, cộng với sản lượng mủ cao su ở miền Nam đang không ngừng gia tăng, nếu Trung Quốc đột ngột không thu mua nữa thì mủ cao su sẽ bán ở đâu, thưa ông?

Với đà phát triển kinh tế như hiện nay thì nhu cầu sử dụng cao su sẽ ngày càng tăng. Hiện nay, Trung Quốc đang ngày càng phát triển và các nhà máy chế biến luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu, do vậy thị trường tiêu thụ cao su sẽ rất rộng mở. Bên cạnh đó, các ban ngành, nhất là các DN vẫn đang nỗ lực tìm kiếm những thị trường mới để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Với góc độ nhà quản lý, chúng tôi khuyên và đề nghị chính quyền địa phương cần định hướng người dân phải sản xuất theo yêu cầu của thị trường, nhưng vẫn tuân thủ quy hoạch, không chạy theo phong trào, tâm lý số đông, có như vậy mới phát triển bền vững.

Ngoài ra, chúng ta không vì thị trường dễ tính mà ít chú ý tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, vì con đường chúng ta đi dứt khoát là phải tuân thủ kỹ thuật canh tác, đảm bảo chất lượng mủ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Và để hạn chế rủi ro, dứt khoát chúng ta phải giúp nông dân có được những hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.

Tôi luôn nhớ lời dặn dò của nguyên Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, đó là, đừng làm thí nghiệm trên người nông dân, vì thế tôi rất cẩn thận khi chỉ đạo các địa phương và nông dân triển khai trồng cao su, và đến nay chưa có sai lầm. Tuy vậy, chúng tôi cũng luôn nhớ là không được chủ quan, đặc biệt không được nôn nóng, bảo thủ, quyết tâm làm nhưng phải trên cơ sở thực tế, kết hợp sự chỉ đạo sâu sát của các địa phương.