00:00 Số lượt truy cập: 3000053

Phát triển chăn nuôi từ lĩnh vực chế biến thức ăn 

Được đăng : 03/11/2016
Những biến động chưa từng có trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm của nước ta vừa qua, đặc biệt có những thời điểm giá thịt lợn đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của xã hội.

 

Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty cổ phần lương thực Hà Bắc.  
Những biến động chưa từng có trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm của nước ta vừa qua, đặc biệt có những thời điểm giá thịt lợn đã tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái, làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của xã hội.

Nhiều hội thảo, hội nghị đã được tổ chức, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm hạ giá thành thực phẩm trong đó tập trung vào tìm kiếm câu trả lời cho sự phát triển chăn nuôi từ lĩnh vực ảnh hưởng đến thị trường của ngành này nhất sau lĩnh vực thú y, đó là thức ăn chăn nuôi (TĂCN).

Chăn nuôi gặp khó

Kể từ khi Chính phủ có Quyết định số 116/2009/QÐ-TTg ngày 29-9-2009 về bổ sung mặt hàng TĂCN vào danh mục hàng hóa bình ổn giá và giao cho 10 doanh nghiệp sản xuất TĂCN làm nhiệm vụ này thì đến thời điểm tháng 4-2011, giá mặt hàng này đã tăng tổng cộng tới 22 lần. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2011 đến tháng 5-2011, đã có tới không dưới năm lần các công ty sản xuất TĂCN điều chỉnh giá bán với mức trung bình tăng 300đ/kg nhưng chủ doanh nghiệp vẫn kêu tăng thế là quá thấp so với chi phí đầu vào. Mặc dù vậy, ngành công nghiệp sản xuất TĂCN liên tục phát triển mạnh. Cả nước hiện có hơn 300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TĂCN, trong đó có 225 nhà máy chế biến TĂCN gia súc, gia cầm và 89 nhà máy chế biến TĂCN thủy sản. Ðáng chú ý, hầu hết các tập đoàn sản xuất TĂCN mạnh trên thế giới như CP Group (Thái-lan), Cargill (Hoa Kỳ), NewHope (Trung Quốc),... đều có mặt ở Việt Nam và đang nắm giữ tới 65-70% thị phần. Ðiều này chứng tỏ sức thu hút và tiềm năng phát triển của ngành này ở nước ta. Thực tế, sản lượng TĂCN công nghiệp năm 2010 đạt 11 triệu tấn, tăng 11,11% so với năm 2009. Năm 2011, tuy sức tiêu thụ mặt hàng này giảm sút do sự khôi phục chậm của đàn gia súc, gia cầm trong bảy tháng đầu năm thì sản lượng TĂCN công nghiệp quy đổi vẫn ước đạt 11,5 triệu tấn, tăng 9,5 % so với năm 2010. Ðịnh hướng của ngành chăn nuôi năm 2012 ước đạt 12,5 triệu tấn TĂCN quy đổi, tiếp tục tăng 9,5% so với năm 2010 để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong nước.

Tại sao trong khi ngành chăn nuôi có những thời gian gặp nhiều khốn đốn, hiện tượng người chăn nuôi bỏ trống chuồng phổ biến ở hầu hết các tỉnh, thành phố thì ngành sản xuất TĂCN vẫn tăng trưởng? Một trong những lý do được chỉ ra cho sự khốn khó của ngành chăn nuôi là giá TĂCN liên tục tăng làm đội vốn đầu tư đầu vào của chăn nuôi lên cao, bởi nguồn đầu vào này chiếm tới 70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, làm nhiều người chăn nuôi trong cả nước, thậm chí cả những trang trại lớn cũng khó chịu nổi do sức đầu tư có hạn, đành bỏ nghề hoặc nuôi cầm chừng.

Nghịch lý nêu trên có vẻ đúng về hiện tượng nhưng về nguyên tắc nhà kinh doanh, sản xuất TĂCN không thể ung dung ngồi đếm tiền lãi khi không có người mua hàng, nếu nhà chăn nuôi đang bỏ trống chuồng. Vậy nguyên nhân khập khiễng là do đâu? Thật ra, thị trường ngành này từ lâu đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi sự can thiệp, tháo gỡ của nhiều bên liên quan.

Về nguồn cung: Nổi bật nhất là sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, tới 60% số nguyên liệu sản xuất TĂCN phải nhập khẩu, thậm chí đối với các loại nguyên liệu như lúa mì phải nhập tới 90-95%, vi-ta-min, chất khoáng, chất tạo mùi,... phải nhập tới 100%. Ngay cả ngô loại nông sản dễ trồng nhất thì Việt Nam cũng phải nhập tới 50%. Sự lệ thuộc này đã là nguyên nhân chính của mọi lần tăng giá TĂCN trong nước. Theo số liệu của Bộ Công thương, năm 2010, lượng TĂCN sản xuất trong nước (với nguyên liệu ngoại nhập chiếm 60%) là 11 triệu tấn, nguồn tự cung tự cấp là 2,7 triệu tấn còn lại sáu triệu tấn là nhập khẩu TĂCN thành phẩm từ nước ngoài mới đủ cung ứng nhu cầu tiêu thụ cho ngành chăn nuôi trong nước.

Nước ta tuy có nhiều thế mạnh để phát triển các cây nông sản như ngô, khoai, sắn, đậu tương,... là những nguyên liệu chính để chế biến TĂCN, thì lại được bán với giá rẻ để tiêu dùng thiết yếu trong nước còn đối với các doanh nghiệp sản xuất TĂCN vẫn phải nhập chủ yếu từ nước ngoài, do chất lượng nông sản trong nước chưa bảo đảm bởi quá trình thu hoạch và bảo quản của nông dân chưa tốt.

Như vậy, yếu tố cơ bản nhất của đầu vào chăn nuôi lại rất khó chủ động vì chủ yếu cung ứng ra thị trường là sản phẩm TĂCN được tạo bởi nguyên liệu nhập khẩu hoặc TĂCN thành phẩm nhập khẩu. TĂCN và nguyên liệu luôn là mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu cao nhất trong các mặt hàng có liên quan đến nông lâm thủy sản (năm 2010 đạt 2,15 tỷ USD). Ngành chăn nuôi nói chung và ngành TĂCN nói riêng đã vì thế mà bị động ở khâu cơ bản nhất.

 Ngoài ra, tình trạng TĂCN kém chất lượng chưa được kiểm soát xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hiện tượng "rút ruột" sản phẩm, chất lượng chưa đúng như tiêu chuẩn cơ sở đã công bố còn phổ biến, hiện tượng sử dụng chất cấm trong TĂCN vẫn xảy ra. Việc kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp vi phạm chưa được tiến hành thường xuyên, mức xử phạt hành chính cao nhất chỉ là 40 triệu đồng, chưa đủ sức răn đe nên người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi bị thiệt thòi nhiều về quyền lợi, người chăn nuôi nhiều khi chịu thiệt hại nặng nề do chăn nuôi bị lỗ lớn. Từ đó kéo sụt tốc độ tăng đàn lại rồi thực trạng ấy lại quay trở lại tác động vào thị trường tiêu thụ của ngành sản xuất TĂCN bấp bênh theo.

Về nguồn cầu: Ngành chăn nuôi trong những năm gần đây có tốc độ phát triển mạnh, các gia trại, trang trại chăn nuôi lớn xuất hiện ngày càng nhiều với hệ thống xây dựng hạ tầng kiên cố, hiện đại. Ðó là biểu hiện rất tốt cho thị trường tiêu thụ TĂCN, thúc đẩy ngành sản xuất TĂCN phát triển. Mỗi năm nhu cầu TĂCN của cả nước ước khoảng 18-19 triệu tấn, trung bình nhu cầu tiêu thụ tăng 8-9%/năm.

Dựa vào sự phát triển của chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản trong nước mà ngành sản xuất TĂCN dự báo về mức cung - cầu sản phẩm, từ đó lập kế hoạch phát triển sản xuất. Song cơ sở chính này lại ít bền vững, khó dự đoán do điều kiện chăn nuôi còn theo kiểu manh mún, tự phát, công tác kiểm soát dịch bệnh đạt hiệu quả chưa cao. Nhiều địa phương bị thu hẹp quy mô chăn nuôi do dịch bệnh và những khó khăn về vốn, về lưu thông giống, vật tư, về tâm lý bất ổn lo lắng cho đầu tư chăn nuôi của người chăn nuôi trong việc tái đàn sau dịch. Từ đó làm giảm đáng kể thị trường tiêu thụ của ngành sản xuất TĂCN.

Như vậy, ngành sản xuất, kinh doanh TĂCN chỉ phát triển bền vững nếu ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Chính sự phát triển chưa ổn định của chăn nuôi, sự phát triển còn yếu của nguồn nguyên liệu trong nước nên ngành TĂCN đã và đang phát triển bị động với rất nhiều khó khăn. Song chính ngành này lại bị chỉ trích khi là một trong những nguyên nhân gây giảm sức đầu tư vào chăn nuôi, khi giá thực phẩm bị tăng cao. Song, vấn đề gốc chính là ổn định phát triển chăn nuôi và vùng nguyên liệu trong nước, sự hỗ trợ thỏa đáng đối với nguyên liệu nhập khẩu thì chưa được đề cập sâu sắc, giải quyết hiệu quả.

Gỡ khó cho sản xuất thức ăn chăn nuôi

Chiếm tới 70% giá trị đầu vào nên TĂCN luôn là vấn đề được quan tâm của người chăn nuôi và nhà quản lý. Ðể khắc phục được những khó khăn trên, thiết nghĩ về phía cơ quan quản lý nhà nước cần sớm triển khai công tác quy hoạch tổng thể vùng nguyên liệu TĂCN đồng bộ với quy hoạch phát triển chăn nuôi lâu dài, ổn định và quy hoạch sản xuất TĂCN để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội trong sản xuất của người chăn nuôi, người sản xuất nguyên liệu và doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Nhà nước có chính sách ưu đãi đầu tư chế biến các nguồn nguyên liệu trong nước sản xuất TĂCN, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến TĂCN tại các vùng có nguồn nguyên liệu lớn và tiềm năng phát triển chăn nuôi lâu dài như Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Ðông Bắc Bộ. Khuyến khích sử dụng tiến bộ giống, kỹ thuật trong trồng, thu hoạch, công nghệ sau thu hoạch đối với nông sản làm nguyên liệu sản xuất TĂCN.

Cơ quan chuyên ngành cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, quy định quản lý nhà nước đối với thị trường TĂCN phù hợp sát với tình hình thực tế, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia bền vững trong lĩnh vực này. Ðồng thời phải tăng cường khả năng dự báo nhu cầu, giá TĂCN trong nước, khu vực... để các doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất, nhập khẩu đáp ứng tốt, ổn định cho chăn nuôi trong nước. Chú trọng công tác quản lý chất lượng TĂCN, công khai các doanh nghiệp vi phạm và có biện pháp ứng xử phù hợp bảo vệ quyền lợi người chăn nuôi. Thúc đẩy công tác phối hợp thông tin thị trường nguyên liệu và TĂCN giữa các tổ chức khuyến nông, các hội, hiệp hội và các doanh nghiệp cũng như với các bộ, ngành và các cơ quan Việt Nam tại các nước để phục vụ yêu cầu phát triển ngành chăn nuôi bền vững.

Ðể bình ổn giá TĂCN, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể như hỗ trợ lãi suất vay ngoại tệ cho doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu, nhất là những mặt hàng thường xuyên nhập với số lượng lớn (thí dụ: lúa mì,...), giảm thuế VAT,... Mặt khác tuy TĂCN là mặt hàng được bình ổn giá nhưng chỉ có 10 doanh nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện thì chưa đủ thành một hàng rào mạnh để ngăn cản sự tăng giá bất hợp lý về TĂCN ở nhiều thời kỳ trong năm, nhất là khi có biến động về thị trường tiêu thụ TĂCN. Mặt hàng TĂCN lại chưa có chính sách tạm trữ như các mặt hàng trọng yếu khác như gạo, cà-phê,... vì thế sự nhảy múa của giá TĂCN đã ít bị yếu tố chuẩn bị sẵn nào trong nước kìm chân.

Ðối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TĂCN, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ để họ tích cực tham gia triển khai thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, tăng cường liên kết "bốn nhà" trong sản xuất và tiêu thụ các loại nông sản dùng làm nguyên liệu sản xuất TĂCN. Doanh nghiệp có thể bán trả chậm TĂCN cho người chăn nuôi để lưu giữ thị phần ổn định, kích thích chăn nuôi. Các doanh nghiệp tích cực sử dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng TĂCN đồng thời chú trọng việc tiết kiệm, giảm chi phí sản xuất, quản lý để hạ giá thành sản phẩm chăn nuôi.

Trong thời gian tới, cần có sự thay đổi nhận thức về trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh TĂCN trong việc chung tay góp phần phát triển ngành chăn nuôi, bảo vệ lợi ích và chia sẻ rủi ro cho người chăn nuôi, bảo đảm chất lượng công bố tránh hậu quả cho người chăn nuôi và người tiêu dùng thực phẩm. Có như vậy mới góp phần tích cực duy trì và phát triển mạnh thị trường tiêu thụ TĂCN và nâng cao uy tín, sức phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng này.