00:00 Số lượt truy cập: 3000054

Phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Trị 

Được đăng : 03/11/2016
Kinh tế trang trại ở Quảng Trị đang ngày càng phát triển góp phần nâng cao đời sống của nhiều hộ gia đình, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động và khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai trên địa bàn.

 

Các trang trại ở vùng gò đồi tỉnh Quảng Trị trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi bò cho hiệu quả kinh tế cao.  

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế trang trại vẫn còn những vướng mắc đòi hỏi các cơ quan chức năng có những giải pháp kịp thời tháo gỡ để  phát triển bền vững hơn.

Hiệu quả từ kinh tế trang trại

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn toàn tỉnh có 902 trang trại sản xuất nông, lâm, thủy sản và kinh doanh tổng hợp, bình quân vốn sản xuất của một trang trại đạt 155,87 triệu đồng, có nhiều trang trại thu lãi từ 300 triệu đồng/năm trở lên. Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, các trang trại đã ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ, tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh phù hợp nhu cầu thực tế; mở rộng liên doanh, liên kết, tổ chức thu gom đưa nông sản đi tiêu thụ, ký hợp đồng trao đổi hàng hóa hai chiều. Nhiều chủ trang trại đã đầu tư vốn xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh, đem lại phúc lợi cho địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới...

Dẫn chúng tôi đến thăm một số trang trại điển hình, có thu nhập cao, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Bài cho biết, nhiều vùng đất hoang hóa, bạc màu ở vùng cát, gò đồi nay đã được khai hoang, phục hóa để trồng trọt, chăn nuôi nhờ kinh tế trang trại phát triển và sự năng động, sáng tạo của người dân trong sản xuất, kinh doanh.  Ði dọc quốc lộ 9 qua các xã Tân Long, Tân Thành, Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, ấn tượng đầu tiên  chúng tôi thấy là mầu xanh bạt ngàn của những vườn chuối trải dài trên các triền đồi. Ít ai biết rằng, nơi đây trong những năm trước là vùng đồi núi trọc. Người dân đã đem nhiều loại cây lên đây trồng thử nghiệm nhưng chỉ có cây sắn và cây chuối là thích hợp với vùng đất. Ðường sá xa xôi, đi lại khó khăn nên nhiều hộ gia đình đã lập trang trại ở những mỏm đồi trồng chuối kết hợp chăn nuôi dê, bò, lợn, gà... Một số chủ trang trại ở huyện Hướng Hóa đã giàu lên nhờ cây chuối và chăn nuôi gia súc, gia cầm, điển hình có hộ gia đình anh Ðoàn Văn Trang, ở thôn Long Hợp, xã Tân Long, bình quân mỗi năm thu nhập từ 600 đến 700 triệu đồng; gia đình anh Nguyễn Dương Phước, ở thôn Long Phụng, xã Tân Long mỗi năm thu nhập hơn 350 triệu đồng...

Ðến trang trại của vợ chồng anh Nguyễn Khắc Cận và chị Nguyễn Thị Vui để tìm hiểu thêm về tấm gương điển hình trong phong trào làm kinh tế giỏi  vừa được tôn vinh (tháng 8-2011). Anh Cận tâm sự: "Chuyện làm ăn không phải lúc nào cũng thuận lợi, cái chính là phải có nghị lực để vượt qua khó khăn...". Năm 1993, gia đình anh lên vùng kinh tế mới bắc sông Bến Hải, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh định cư, được địa phương giao cho 40 ha đất rừng. Ban đầu nguồn vốn khó khăn, anh đầu tư trồng sáu ha cao-su, còn lại trồng cây lâm nghiệp. Kinh tế phát triển, anh tích lũy vốn  trồng thêm 10 ha cao-su. Ðến nay, sáu ha cao-su đưa vào khai thác cho thu bình quân bốn triệu đồng/ngày, thu nhập từ cao-su mỗi năm hơn 600 triệu đồng, doanh thu từ cây lâm nghiệp bình quân khoảng 160 triệu đồng. Bên cạnh đó, anh chị còn mở rộng chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá, hươu lấy nhung, gieo cấy 1,2 ha ruộng lúa cho thu nhập thêm khoảng 200 triệu đồng; đầu tư hơn ba tỷ đồng mua sắm các loại máy móc, xe vận chuyển làm dịch vụ cho thu nhập bình quân hơn 2,8 tỷ đồng mỗi năm. Trang trại của anh Cận đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, với mức lương bình quân ba triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ làm giàu cho mình, anh chị còn chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện, động viên bà con trong làng phát triển kinh tế. Mỗi năm gia đình đầu tư hơn 20 triệu đồng để tu sửa các trục đường dân sinh trong vùng và hỗ trợ các hoạt động xã hội khác ở địa phương.

Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều hộ nông dân ở Quảng Trị đã mạnh dạn đầu tư vốn, công sức, tích cực áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật để phát triển mô hình kinh tế trang trại bằng các loại cây trồng, vật nuôi mới, vừa làm giàu cho gia đình, vừa góp phần vào sự đổi mới của quê hương.

Hiện nay, ở các huyện Hướng Hóa, Hải Lăng, Triệu Phong và Vĩnh Linh đang hình thành nhiều trang trại quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm và sử dụng thời gian nông nhàn cho người dân địa phương. Ở huyện Triệu Phong có hơn 100 trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân từ 100 đến 300 triệu đồng/năm.

Dù ở vùng gò đồi, vùng đồng bằng, vùng cát hay ở miền biển, các trang trại, các hộ gia đình nông dân đều nêu cao tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau trong phát triển kinh tế bằng những việc làm cụ thể như giúp nhau về cây, con giống, kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn... Mỗi người một điều kiện và cách làm khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên ý chí tự lực, tự cường, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu chính đáng bằng bàn tay và khối óc trên chính đồng đất quê hương mình.

Phát triển kinh tế trang trại bền vững

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tiêu chí mới cho trang trại để hướng trang trại đến sự phát triển bền vững, lấy hiệu quả làm thước đo hàng đầu, phù hợp quá trình phát triển CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn. Qua khảo sát, ở tỉnh Quảng Trị chỉ có khoảng 35% số trang trại đạt tiêu chí mới, vì vậy việc rà soát để củng cố và xây dựng trang trại đạt chuẩn là rất cần thiết. Nhiều năm qua, phát triển kinh tế trang trại ở Quảng Trị chủ yếu là tự phát. Hầu hết địa phương chưa có quy hoạch dẫn đến tình trạng các trang trại xây dựng manh mún, thiếu sự đầu tư, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Nhiều trang trại trồng trọt, lâm nghiệp và thủy sản có diện tích sản xuất lớn nhưng thu nhập và giá trị sản xuất hàng hóa thấp. Các trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ, xen lẫn khu dân cư, mới đạt tiêu chí giá trị sản xuất hàng hóa và dịch vụ chưa đạt tiêu chí về quy mô. Trình độ quản lý, kỹ thuật của các chủ trang trại nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các chủ trang trại điều hành sản xuất theo kinh nghiệm, hầu hết chưa qua đào tạo, tập huấn. Vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại còn ít, khả năng tiếp cận thị trường và tiêu thụ sản phẩm của các chủ trang trại còn hạn chế. Lực lượng  lao động làm việc trong các loại hình trang trại chưa nhiều và ít có hợp đồng lao động, chủ yếu là lao động theo thời vụ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Ðức Chính cho biết: Thời gian qua, thủ tục giao đất, cấp đất cho các chủ trang trại khi đã có đề án sản xuất kinh doanh được thẩm định còn chậm, gây cản trở đến quá trình đầu tư phát triển trang trại mới. Các huyện, thị xã cần sớm hoàn thiện việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại theo tiêu chí mới, nhất là đất lâm nghiệp để tạo tâm lý yên tâm và động viên các chủ trang trại mạnh dạn đầu tư vốn, khoa học - kỹ thuật... trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

So với tiềm năng đất đai, nguồn vốn đầu tư thì số trang trại hoạt động có hiệu quả ở Quảng Trị còn ít, các trang trại còn lại hoạt động cầm chừng. Nhiều hộ nông dân chưa đủ điều kiện, chưa am hiểu về mô hình kinh tế trang trại nhưng vẫn tìm cách thành lập trang trại, trong đó có nhiều hộ thiếu kiến thức quản lý, thiếu kế hoạch, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh dẫn đến làm ăn thua lỗ... Từ thực tế này, các địa phương cần nhìn nhận lại phát triển kinh tế trang trại theo hướng chất lượng, hiệu quả. Phát triển kinh tế trang trại không chỉ căn cứ vào diện tích đất, số lượng cây trồng, con nuôi mà cần xem xét thêm dưới góc độ hàm lượng khoa học - kỹ thuật công nghệ được áp dụng trong quá trình sản xuất, hiệu quả kinh tế trên từng vùng đất, tập quán sản xuất, quy mô sản xuất tập trung và quy hoạch  vùng nguyên liệu ổn định...

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Trần Văn Thu nêu ra các giải pháp để kinh tế trang trại phát triển bền vững như sau: Trên cơ sở quy hoạch chung của từng địa phương, tỉnh cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ nông dân ở các vùng có lợi thế phát triển kinh tế trang trại (vùng tập trung chuyên canh), cải tiến thủ tục cấp đất, giao đất cho chủ trang trại khi có đầy đủ điều kiện và có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Mở rộng đối tượng cho vay vốn, nâng mức vay cho hộ nông dân, đồng thời nghiên cứu cơ chế thế chấp vay vốn bằng tài sản hình thành từ vốn vay của trang trại. Có chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển; khuyến khích liên kết sản xuất tiêu thụ giữa các trang trại và doanh nghiệp; thường xuyên mở lớp đào tạo, tập huấn về quản lý, kỹ thuật cho người lao động ở các trang trại... Tháo gỡ được những vướng mắc, kinh tế trang trại sẽ góp phần cải tạo, khôi phục và đưa vào khai thác diện tích đất hoang hóa để trồng trọt, chăn nuôi... giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân.